Theo đề xuất mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đưa ra hôm 23/8, Nga sẽ trao cho các nhà đầu tư phương Tây cơ hội để họ mua tài sản của các công ty Nga bị đóng băng ở phương Tây, bằng tiền của chính các công ty phương Tây đang kẹt trong các tài khoản bị hạn chế ở Nga.
Trao đổi với tờ Financial Times, giới chức phương Tây nói họ chưa hay biết về đề xuất của Nga và hiện chưa có bất kỳ cuộc trao đổi nào về một kế hoạch hoán đổi tài sản.
Hôm 22/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng việc hoán đổi tài sản nhằm “phá băng” số tài sản 100 tỷ Rúp, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD, chủ yếu của các nhà đầu tư cá nhân, trong tổng số tài sản 1.500 tỷ Rúp của Nga đang bị phương Tây đóng băng.
Nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Nga đề xuất bồi thường cho các khoản đầu tư vào chứng khoán phương Tây của nhà đầu tư cá nhân Nga đang bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt và mắc kẹt tại các tổ chức thanh toán quốc tế như Euroclear có trụ sở ở Bỉ. Song song với đó, Moscow cho phép các công ty phương Tây được lấy lại vốn đang bị mắc kẹt ở Nga.
Phía Nga chưa công bố chi tiết cụ thể của kế hoạch hoán đổi tài sản này, nhưng ông Siluanov và CBR cho biết kế hoạch sẽ được nêu rõ trong một sắc lệnh có chữ ký của ông Putin.
Cũng theo CBR, việc hoán đổi tài sản sẽ mang tính chất tự nguyện – một tuyên bố được xem là loại trừ khả năng xung công tài sản của các công ty phương Tây để lấy tiền bồi thường cho nhà đầu tư Nga. Tuy nhiên, khối lượng tài sản trong kế hoạch hoán đổi sẽ được giới hạn.
Ngày 23/8, Bộ Tài chính Nga cũng nới lỏng hạn chế đối với cổ tức của các công ty phương Tây đang hoạt động ở Nga. Theo quy định mới, các công ty phương Tây sẽ được rút số tiền tương đương với khoản đầu tư của họ vào hoạt động sản xuất và công nghệ tại chi nhánh ở Nga. Dù vậy, bất kỳ thoả thuận tiềm năng nào cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về mặt pháp lý và thủ tục để nhà đầu tư phương Tây có thể rút tài sản khỏi Nga – nguồn thạo tin tiết lộ.
Giới chức châu Âu nói với Financial Times rằng Liên minh châu Âu (EU) và Nga hiện chưa có cuộc đàm phán nào về hoán đổi tài sản tài chính. Một vị nói thêm rằng họ nhận thấy khả năng rất thấp cho các cuộc thảo luận chi tiết về một kế hoạch như vậy diễn ra trong tương lai gần. Giới quan sát cho rằng các nước phương Tây khó có thể chấp nhận bất kỳ một thoả thuận nào đánh đồng tài sản Nga bị đóng băng vì lệnh trừng phạt liên quan tới chiến tranh với tài sản của phương Tây bị kẹt ở Nga do các biện pháp của Moscow mà phương Tây cho là bất hợp pháp.
Đề xuất hoán đổi tài sản được Nga gợi mở đúng lúc các chính phủ phương Tây, dẫn đầu bởi nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), tranh cãi về việc nên làm gì để biến các tài sản bị đóng băng của Nga thành tiền nhằm hỗ trợ Ukraine.
Hiện có khoảng 200 tỷ Euro tài sản Nga đang bị đóng băng tại Euroclear, tổ chức thanh toán lớn nhất thế giới, bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong đó, 180 tỷ Euro là dự trữ ngoại hối của CBR – theo số liệu của Chính phủ Bỉ. Giới chức phương Tây đang tìm cách tạo ra lợi nhuận từ những tài sản này và dùng tiền đó làm hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Bất kỳ động thái nào tiếp theo của phương Tây nhằm vào tài sản Nga đều có thể dẫn đến khả năng Moscow tịch thu thêm tài sản của phương Tây đang bị kẹt ở Nga. Năm nay, Nga đã quốc hữu hoá chi nhánh tại Nga của 4 công ty phương Tây. Bị ảnh hưởng là các công ty năng lượng Uniper và Fortum của Đức và Phần Lan, cũng như hãng sữa Danone của Pháp và hãng bia Carlsberg của Đan Mạch.
Hàng trăm công ty phương Tây đang chật vật xoay sở để có được thoả thuận rút khỏi Nga hoặc phải chấp nhận từ bỏ tài sản ở nước này. Nhiều trong số đó vẫn tiếp tục làm ăn có lãi ở Nga, nhưng không thể chuyển được lợi nhuận ra khỏi Nga.
Công ty năng lượng BP, đơn vị nắm cổ phần gần 20% trong hãng dầu khí quốc doanh Nga Rosneft, có khoảng 1,4 tỷ USD tiền cổ tức không thể chuyển khỏi Nga. Tháng 12 năm ngoái, BP cho biết “không hy vọng sẽ nhận được một đồng cổ tức nào” trong số 1,4 tỷ USD đó trong tương lai gần.
Hồi tháng 2/2022, BP đã quyết định rút khỏi Nga và bút toán giảm 24,4 tỷ USD tài sản ở nước này. Cho đến nay, việc BP bán cổ phần trong Rosneft liên tiếp gặp nhiều trở ngại do các biện pháp trừng phạt và do điện Kremlin có quyền phê chuẩn bất kỳ bên mua nào.