Sang 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. VNDirect cho rằng, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện Techcombank, MBB và VCB là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống.
Với một ngân hàng thương mại, vốn chủ sở hữu là tấm đệm chống đỡ rủi ro, vốn chủ sở hữu càng cao thì sức chống chịu của ngân hàng càng lớn, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn khủng hoảng. Vốn chủ sở hữu lớn sẽ giúp ngân hàng tạo được uy tín trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng, đa dạng hóa danh mục cho vay.
Tính đến cuối năm 2022, 2 ngân hàng đứng đầu về vốn chủ sở hữu là Vietcombank với 135.789 tỷ đồng, tiếp theo là Techcombank với 113.424 tỷ đồng. Các ngân hàng bám đuổi ngay sau đó, cùng có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng, là VietinBank với 108.304 tỷ đồng, BIDV 104.205 tỷ đồng, VPBank (103.516 tỷ đồng).
DUY TRÌ BẢNG CÂN ĐỐI TÀI SẢN MẠNH
Trong bối cảnh đầy thách thức của thị trường, Techcombank dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất về 22.000 tỷ đồng, tiếp tục tập trung nguồn vốn để đầu tư cho nền tảng và phục vụ chiến lược kinh doanh sắp tới của ngân hàng. Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 3,2%, Techcombank tiếp tục ở vị thế đầu ngành về hiệu quả hoạt động và khả năng quản lý tài sản tốt. Ngân hàng này cũng duy trì đà tăng trưởng bền vững trong cả năm 2022, bất chấp một số thách thức từ bối cảnh thị trường trong quý 4, với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận đều tăng trưởng trên hai con số.
Trong năm 2023, Techcombank tiếp tục đặt mục tiêu quản lý nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5%. Ngân hàng cũng sẽ tăng cường các giải pháp quản trị tài chính để duy trì thanh khoản cùng doanh nghiệp, tăng cường các trải nghiệm cá nhân hóa và hợp tác cùng các đối tác lớn để gia tăng ưu đãi cho khách hàng.
Với sự tin tưởng của khách hàng, Techcombank tiếp tục thu hút lượng tiền gửi dẫn đầu. “Nắm bắt được yêu cầu nguồn vốn và thanh khoản là yếu tố hàng đầu, Techcombank đã nhanh chóng thực hiện các chương trình gắn kết khách hàng để thu hút dòng tiền tiết kiệm và tăng trưởng mạnh phần tiền gửi trong quý 4 2022 lên mức tăng 14%, gần gấp đôi tăng trưởng của thị trường” – Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc tài chính cao cấp của Techcombank, chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân hồi tháng 2.2023.
Với tổng tiền gửi đạt là 358,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, Techcombank tiếp tục có lợi thế mạnh về vốn cùng với các khoản vay hợp vốn kỉ lục đã được thực hiện năm 2022. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132,5 nghìn tỷ đồng.
TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG, THAY VÌ TĂNG TRƯỜNG BẰNG MỌI GIÁ
Ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank cho biết, từ nhiều năm nay, TCB lựa chọn khẩu vị đầu tư thận trọng chắc chắn và đề cao phát triển bền vững. Về khả năng sinh lợi, TCB đề ra các mục tiêu hấp dẫn. Chẳng hạn nhìn vào chỉ số của các ngân hàng châu Á, không nhiều ngân hàng có thể duy trì chỉ số ROA trên 3%, ROE trung bình 20%, hay NIM ở mức 5% trong nhiều năm, như Techcombank đã làm được.
“Hiện tỷ lệ đòn bẩy Techcombank ở mức thấp, nhưng Ngân hàng không tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá”, ông Hưng chia sẻ. Huy động vốn môt cách đa dạng với chi phí thấp là chiến lược của Techcombank, điều đó gắn liền các cấu phần khác là ngân hàng giao dịch chính phục vụ khách hàng, đa dạng hóa nguồn thu, phục vụ nhu cầu toàn diện khách hàng,… để đạt được mục tiêu tốt hơn.