Độ mở của nền kinh tế ngày càng cao, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa là một thông báo chính sách, một diễn biến thị trường ở bên kia bán cầu cũng sẽ lập tức ảnh hưởng tới Việt Nam. Áp lực về tốc độ xử lý thông tin cũng vì thế ngày một gia tăng với phóng viên kinh tế.
Giới độc giả cũng ngày càng đòi hỏi những bài viết có chiều sâu; thay vì chỉ phản ánh những chuyển động lên xuống của thị trường như lạm phát, lãi suất hay giá chứng khoán. Điều này đòi hỏi phóng viên phải nỗ lực đi tìm ý nghĩa đằng sau các con số và tác động của những con số đó đến thị trường và người đân như thế nào.
“Cửa ải” khó khăn nhất chính là khai thác nguồn tin và khả năng minh định, bản lĩnh trên hành trình đi đến điểm cuối của sự thật. Những điều này khiến tôi không ít lần hoài nghi bản thân trên hành trình nghề nghiệp.
So với việc lấy tin chung chung từ báo cáo của các cơ quan nhà nước, việc “moi” được câu chuyện cụ thể từ một nguồn tin nào đó, khó hơn nhiều. Xét cho cùng, hầu như mọi thông tin về chính quyền đều được công khai nhưng nhiều hồ sơ của các doanh nghiệp thì không.
Không chỉ vậy, những con số cần được giải thích bằng ngôn ngữ phổ thông mà ai cũng hiểu. Trong nhiều trường hợp, nếu không muốn độc giả “ngủ gật” vì những con số khô khan, nhà báo cần đa dạng lối diễn đạt, trong đó có cả hài hước và hình tượng hóa vấn đề. Nhưng, tất cả những điều trên vẫn chưa phải là thách thức có thể hạ gục tôi khi bước vào nghề báo.
“Cửa ải” khó khăn nhất chính là khai thác nguồn tin và khả năng minh định, bản lĩnh trên hành trình đi đến điểm cuối của sự thật. Những điều này khiến tôi không ít lần hoài nghi bản thân trên hành trình nghề nghiệp. So với việc lấy tin chung chung từ báo cáo của các cơ quan nhà nước, việc “moi” được câu chuyện cụ thể từ một nguồn tin nào đó, khó hơn nhiều. Xét cho cùng, hầu như mọi thông tin về chính quyền đều được công khai nhưng nhiều hồ sơ của các doanh nghiệp thì không.
Việc tiếp cận với người đứng đầu doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin tích cực thì dễ, còn với thông tin tiêu cực thì không đơn giản bởi người được phỏng vấn có quyền từ chối trả lời.
Thật may, tại Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, tôi có những có đồng nghiệp là lãnh đạo lâu năm, người anh, người chị đi trước với nhiều trải nghiệm. Họ cho tôi “bí quyết” mang tên “tỉ mỉ, công bằng và chính xác”.
Nhờ luôn luôn công bằng, trong quá trình tác nghiệp, tôi nhận được sự tin cậy và tín nhiệm của người được phỏng vấn, dù rằng, không phải lúc nào và ở đâu, con đường đến với giá trị chân thực của nghề báo đều muốn là được. Huống hồ, thị trường tài chính là nơi mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong đó rất phức tạp, vừa đan xen, vừa mâu thuẫn. Các câu chuyện tài chính cũng ngày càng trở nên phức tạp và chuyên sâu hơn bao giờ hết. Trong những thông tin, số liệu, dữ liệu mà phóng viên được tiếp cận, chẳng ai dám chắc không có thông tin được cài cắm khéo léo để phục vụ nhóm lợi ích nào đó đang lẩn khuất mà không phải lúc nào phóng viên cũng nhận ra.
Đặc biệt, tại Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, tôi thường được các đồng nghiệp đi trước dặn rằng, trước khi trở thành nhà báo giỏi trong ngành tài chính, bạn phải thật giỏi cân bằng những vấn đề liên quan về bản thân. Bởi, khi bản thân bị vướng vào một mớ bòng bong ngoài công việc thì không thể nào có được những tác phẩm báo chí tài chính – ngân hàng đáp ứng được một phần kỳ vọng từ bạn đọc, lý do đây là mảng đề tài khó, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, sự tĩnh lặng trong nhìn nhận vấn đề.
Con đường từ một người ghi chép sự thật đến một cây bút có chiều sâu, có tư duy phản biện, đạt đến nấc thang tinh thần của nghề nghiệp thật vô cùng gian nan, nhưng trong hành trình đó, tôi thấy mình được mài giũa, trưởng thành…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/mai-but-trong-mang-tai-chinh-ngan-hang.htm