Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn số 9983/BTC-QLKT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư: Thông tư số 292/2016/TT-BTC hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Thông tư 296/2016/TT-BTC hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Thông tư 297/2016/TT-BTC về cấp, quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và Thông tư 09/2021/TT-BTC hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán (dự thảo).
QUY ĐỊNH VỀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC CHƯA RÕ RÀNG
Cụ thể, góp ý về sửa đổi Thông tư 292/2016/TT-BTC, VCCI cho biết về sửa đổi, bổ sung về đối tượng cập nhật kiến thức (khoản 1 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 292/2016/TT-BTC), Điều 3 quy định “trường hợp người mới được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên thì được đăng ký để được hành nghề dịch vụ kế toán trong thời gian từ ngày được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên đến ngày 31/12 của năm sau năm được cấp chứng chỉ mà không bắt buộc phải cập nhật kiến thức”.
Để minh họa cho quy định này, dự thảo bổ sung ví dụ “ông Nguyễn Văn A được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên ngày 23/4/20X0 thì ông A không bắt buộc phải cập nhật kiến thức để được hành nghề dịch vụ kế toán kể từ thời điểm được cấp chứng chỉ đến hết ngày 31/12/20X1. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán từ 01/01/20X2 đến 31/12/20X2 thì ông A phải có đủ thời gian cập nhật kiến thức năm 20X1 (từ 16/8/20X0 đến 15/8/20X1) theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 292/2016/TT-BTC”.
Tuy nhiên, theo VCCI, với ví dụ này, ông A phải có đủ thời gian cập nhật kiến thức năm 20X1 (từ 16/8/20X0 đến 15/8/20X1), có nghĩa ông A bắt buộc phải cập nhật kiến thức trong khoảng thời gian này.
Trong khi đó, phần đầu ví dụ, “kể từ thời điểm được cấp chứng chỉ đến hết ngày 31/12/20X1” ông A không bắt buộc phải cập nhật kiến thức. Như vậy, ví dụ này chưa đủ rõ ràng về việc thời điểm nào ông A không bắt buộc phải cập nhật kiến thức. Thời điểm bắt đầu cập nhật kiến thức của ông A là lúc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 và dựa vào dữ kiện của ví dụ, thời điểm tính ông A phải cập nhật kiến thức phải là từ 16/8/20X2 đến 15/8/20X3, cập nhật kiến thức năm 20X2. Năm 20X1 ông A không phải cập nhật kiến thức.
Do vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo xem xét lại ví dụ trên, đồng thời rà soát lại quy định tại Thông tư 292/2016/TT-BTC để đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng trong các quy định liên quan, bởi, theo cách tính của Điều 5 dự thảo sẽ khó để áp dụng đối với người mới được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên.
Bên cạnh đó, về hoãn giờ cập nhật kiến thức, theo VCCI, khoản 1 Điều 12 Thông tư 292/2016/TT-BTC liệt kê các lý do đặc biệt mà kế toán viên hành nghề không có đủ thời gian cập nhật kiến thức có thể được hoàn cập nhập nhật là: thai sản, tai nạn, ốm đau kéo dài trên 02 tháng; hoặc ốm đau đột xuất vào đúng thời gian tổ chức lớp học cập nhật kiến thức cuối cùng về nội dung có số giờ cập nhật kiến thức bị thiếu.
“Những lý do đặc biệt được liệt kê tại quy định này là chưa bao quát được các trường hợp. Bởi, trên thực tế, kế toán viên hành nghề còn có những trường hợp khách quan khác không thể có đủ thời gian cập nhập kiến thức”, VCCI nêu rõ. Chẳng hạn như đi công tác, hoặc những việc đột xuất khác không phải vì ốm đau vào đúng thời gian tổ chức lớp học cập nhật kiến thức cuối cùng về nội dung có số giờ cập nhập kiến thức bị thiếu.
“Để phù hợp với thực tế, đề nghị ban soạn thảo bổ sung lý do đặc biệt quy định khoản 1 Điều 12 Thông tư 292/2016/TT-BTC theo hướng các trường hợp khách quan khác mà kế toán viên hành nghề không thể tham dự được đúng vào thời gian tổ chức lớp học cập nhật kiến thức cuối cùng về nội dung có số giờ cập nhật kiến thức bị thiếu”, VCCI góp ý.
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KÉO DÀI, CÔNG KHAI THÔNG TIN KẾ TOÁN VIÊN CHẬM TRỄ
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 296/2016/TT-BTC.
Cụ thể, về trình tự đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 296/2016/TT-BTC, để đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, thủ tục phải mất 25 ngày làm việc kể từ ngày gửi hồ sơ, trong đó 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Sau đó, 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
VCCI đề nghị ban soạn thảo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, với thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ 3-5 ngày làm việc, thời gian cấp giấy chứng nhận 5-7 ngày làm việc.
Thời gian này là khá dài để xem xét Giấy chứng nhận, người đăng ký hành nghề phải mất ít nhất là hơn một tháng, bao gồm cả thời gian phải giải trình nếu có mới có thể bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán kể từ ngày nộp hồ sơ.
“Các tài liệu trong hồ sơ là khá rõ ràng, có mẫu biểu, việc cơ quan cấp phép phải mất đến 10 ngày làm việc để xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ, phải mất 15 ngày làm việc để quyết định cấp Giấy chứng nhận hay không là khá dài, nếu so sánh với các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề ví dụ công chứng, luật sư”, VCCI phân tích.
Về công khai thông tin về kế toán viên hành nghề (khoản 6 Điều 2 Dự thảo sửa đổi Điều 14 Thông tư 296/2016/TT-BTC), dự thảo sửa đổi quy định về công khai thông tin về kế toán viên hành nghề theo hướng Bộ Tài chính thay vì thường xuyên cập nhật và công khai trên trang thông tin điện tử các thông tin về kế toán viên hành nghề thì sẽ định kỳ cập nhật và công khai.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ bổ sung hoặc xóa tên kế toán viên hành nghề trong danh sách công khai kế toán viên đăng ký hành nghề tại từng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được cấp, cấp lại, bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.
Theo quy định tại Thông tư 296 hiện hành, Bộ Tài chính sẽ thực hiện ngay khi cấp giấy chứng nhận.
“Việc thay đổi theo quy định tại dự thảo sẽ khiến việc công khai các thông tin về kế toán viên hành nghề có độ trễ nhất định khi các thông tin này có sự thay đổi trên thực tế. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm tra, tìm hiểu các thông tin về kế toán viên hành nghề của các bên liên quan”, VCCI nêu quan điểm.
Mặt khác, quy định tại dự thảo là chưa rõ về thời điểm Bộ Tài chính phải cập nhật và công khai các thông tin về kế toán viên hành nghề định kỳ là định kỳ theo tuần, tháng, quý hay năm?
Thời điểm nào Bộ Tài chính sẽ bổ sung hoặc xóa tên kế toán viên hành nghề trong danh sách công khai tính từ khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được cấp, cấp lại, bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị?
Để đảm bảo tính minh bạch thông tin, VCCI đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên như quy định hiện hành.
Trong trường hợp có lý do thuyết phục để sửa đổi quy định này tại dự thảo, VCCI đề nghị quy định cụ thể hơn về thời điểm Bộ Tài chính phải cập nhật và công khai các thông tin về kế toán viên hành nghề.
Về trách nhiệm của kế toán viên hành nghề (khoản 7 Điều 2 dự thảo sửa đổi khoản 4 Điều 15 Thông tư 296/2016/TT-BTC), quy định hiện hành quy định, kế toán viên hành nghề phải “nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cũ cho Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Thông tư”.
“Dự thảo đã bỏ thời hạn “chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày”, điều này khiến cho quy định trở nên thiếu rõ ràng về thời điểm kế toán viên phải nộp lại giấy chứng nhận. Có thể hiểu là ngay một khoảng thời gian khi Giấy chứng nhận không còn hiệu lực/giá trị, kế toán viên phải nộp lại Giấy chứng nhận?”, VCCI thắc mắc.
Vì vậy, cơ quan này đề nghị ban soạn thảo quy định như hiện hành, đặt ra một khoảng thời gian nhất định kế toán viên phải nộp lại giấy chứng nhận. Thông tin về kế toán viên hành nghề đã được công khai trên trang thông tin của Bộ Tài chính, vì vậy, việc kế toán viên giữ lại giấy chứng nhận cũng không có nhiều ý nghĩa.
THIẾU MINH BẠCH KHI ĐỔI QUY ĐỊNH KIỂM TRA DOANH NGHIỆP
Về sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điều của Thông tư 09/2021/TT-BTC, trong văn bản góp ý, VCCI cho rằng trách nhiệm của Bộ Tài chính, hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính rà soát, lập kế hoạch kiểm tra, công bố công khai danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán trong năm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và thông báo cho từng đối tượng được kiểm tra.
Tuy nhiên, dự thảo đã bỏ quy định “công bố công khai” sửa đổi thành “tổng hợp danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán” và thông báo trước cho đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 10 ngày trước ngày bắt đầu cuộc kiểm tra.
“So với quy định hiện hành, quy định về kiểm tra tại dự thảo dường như chưa minh bạch bằng”, VCCI đánh giá.
Việc xác định và công bố công khai danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra hoạt động kinh doanh kế toán trong năm, các doanh nghiệp có thể nhận biết thông tin và chủ động cho hoạt động kiểm tra mới khiến cho quy trình kiểm tra trở nên minh bạch
Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giữ lại quy định về công khai thông tin như quy định hiện hành.