Trong tuần từ 22 – 26/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh 15 đồng trong phiên đầu tuần rồi giảm mạnh 16 đồng phiên cuối tuần. Chốt ngày 26/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.249 VND/USD, chỉ tăng 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó (19/7).
TỶ GIÁ CHỜ TIN FED
Tỷ giá USD/VND biến động với biên độ hẹp trong ngày thứ Sáu tuần trước và đóng cửa gần sát mức 25.300. Tuần qua, tỷ giá giảm nhẹ khoảng 10 đồng mặc dù có thời điểm đã tăng lên gần mức 25.400 vào ngày thứ Tư, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt trở lại khi lực bán USD trên liên ngân hàng thường gia tăng mạnh khi tỷ giá vượt mức 25.350, đồng thời nhu cầu mua ngoại tệ thanh toán đã sụt giảm trở lại vào thời điểm cuối tuần. Dự báo tỷ giá vẫn đang chịu áp lực suy yếu khá lớn trong tuần này càng gần thời điểm FED xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 22 – 26/7 tăng nhẹ đầu tuần rồi giảm trở lại, biến động trong biên độ hẹp. Kết thúc phiên 26/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.310 VND/USD, giảm nhẹ 8 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 26/7, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.690 VND/USD và 25.770 VND/USD.
Lúc 9h sáng ngày 29/7 (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index đo sức mạnh của đồng đô la ghi nhận giảm 0,22 điểm phần trăm (đpt) so với ngày 28/7. Hiện, USD index dao động quanh vùng 103,9 điểm. Đồng USD suy yếu trước những thông tin củng cố khả năng Fed sẽ xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 9/2024.
Trong nước, sáng 29/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.252 VND/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với cuối tuần trước (26/7). Theo quy định hiện nay về biên độ +/- 5%; tỷ giá trần là 25.464 VND/USD; tỷ giá sàn là 23/039 VND/USD.
Ngày 29/7, Vietcombank, BIDV, Agribank, Viettinbank cùng niêm yết tỷ giá ở mức 25.094 – 25.464 VND/USD (mua vào – bán ra), sát tỷ giá trần.
Trên thị trường tự do, giá USD giảm mạnh 70 đồng chiều mua vào và 50 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước, giao dịch mua – bán tại 25.260 – 25.720 VND/USD.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 của Mỹ đã tăng 0,1% như dự kiến, sau khi không thay đổi trong tháng 5, cho thấy lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, xác nhận khả năng FED có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 sắp tới.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá PCE tăng 2,5% sau khi tăng 2,6% trong tháng 5. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang hướng đến mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2% và PCE là thước đo điều hành chính sách tin dùng của cơ quan này.
Công cụ CME Fed Watch cho thấy hơn 90% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao hiện tại sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tháng 7 vào giữa tuần này, đồng thời đưa ra tín hiệu cụ thể cho việc bắt đầu cắt giảm vào tháng 9 sắp tới.
Chủ tịch Fed, ông J.Powell cho biết, bên cạnh lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày càng tập trung vào sức khỏe của thị trường lao động tại Mỹ, vì mục tiêu kép của cơ quan này là bảo vệ sức mua của người dân đồng thời thúc đẩy thị trường việc làm phát triển bền vững. Tỷ lệ thất nghiệp dù tăng nhẹ vào tháng 6, nhưng vẫn ở mức thấp là 4,1%.
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này bên cạnh dữ liệu về niềm tin tiêu dùng và PMI hoạt động sản xuất sẽ giúp làm rõ thêm diễn biến sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sau khi lãi suất cơ bản liên tục được duy trì ở mức cao 5,25% – 5,5% trong 1 năm trở lại đây.
LÃI SUẤT LIÊN NGÂN HÀNG TIẾN LÊN MỐC 5%
Tuần từ 22 – 26/7, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 26/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,93% (+0,39 đpt); 1 tuần 5% (+0,36 đpt); 2 tuần 5% (+0,22 đpt); 1 tháng 5,02% (+0,06 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 26/7, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,3% (không thay đổi); 1 tuần 5,34% (-0,01 đpt); 2 tuần 5,39% (-0,01 đpt) và 1 tháng 5,43% (không thay đổi).
Trên thị trường mở tuần qua từ 22 – 26/7, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 61.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 59.044,97 tỷ đồng trúng thầu, có 34.304,39 tỷ đồng đáo hạn tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 16.200 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,50%; có 33.650 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 42.190,58 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua trên kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 59.044,97 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành còn 64.300 tỷ đồng.
Kể từ 8/7 đến 26/7, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 3 tuần liên tiếp với tổng giá trị hơn 109.665 tỷ đồng.
Ngày 24/7, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công 4.850 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 40%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 2.300 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu, 20 năm huy động được 1.050 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,9% (+0,05 đpt), 10 năm là 2,76% (không đổi), 15 năm là 2,96% (+0,01 đpt), 20 năm là 2,98% (không đổi).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 17.299 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 10.411 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tuần qua biến động tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trừ kỳ hạn 30 năm. Chốt phiên 26/7, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,88% (+0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,89% (+0,01 đpt); 3 năm 1,91% (+0,01 đpt); 5 năm 1,98% (+0,01 đpt); 7 năm 2,30% (+0,01 đpt); 10 năm 2,80% (+0,01 đpt); 15 năm 2,96% (+0,004 đpt); 30 năm 3,19% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 31/7, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lai-suat-lien-ngan-hang-tang-manh-ngan-hang-nha-nuoc-bom-rong-3-tuan-lien-tiep.htm