Giá vàng thế giới không giữ được mốc 2.000 USD/oz do thị trường tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, bất chấp số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế giảm tốc mạnh. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (28/4) có nơi giảm, có nơi “bất động” trên mốc 67 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 9h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ Kitco đứng ở mức 1.989,9 USD/oz, tăng 0,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương gần 56,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước lúc đầu giờ sáng nay tại một số doanh nghiệp không thay đổi so với sáng qua. Một số doanh nghiệp giảm giá bán vàng miếng 100.000 đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), bằng mức giá sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý đi ngang ở mức 55,75 triệu đồng/lượng và 56,75 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,5 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 10,4 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 10,1-10,2 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Trong phiên ngày thứ Năm tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD/oz, chốt ở 1.989,8 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng vượt 2.000 USD/oz nhưng không duy trì được cho tới khi đóng cửa.
Gây áp lực mất giá lên vàng phiên này là sự tăng giá của đồng USD sau báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Mỹ. Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 1,1% trong 3 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2% mà giới phân tích đưa ra và mức tăng 2,6% đạt được vào quý 4 năm ngoái.
Báo cáo trên cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng và dùng làm một căn cứ quan trọng cho chính sách tiền tệ, của tăng 4,2% trong quý 1, vượt xa mức dự báo là tăng 3,7%. Không tính giá năng lượng và lương thực-thực phẩm, PCE lõi tăng 4,9%, so với mức tăng 4,4% ghi nhận trong kỳ trước đó.
Một bộ phận chuyên gia cho rằng với sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế, Fed sẽ sớm phải chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, số đông dự báo Fed sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất, trước mắt là vào tuần tới, vì lạm phát vẫn dai dẳng ở mức cao. Cuộc họp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5, với mức tăng lãi suất đươc dự báo là 0,25 điểm phần trăm.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng lên mức 101,5 điểm, từ mức 101,4 điểm của phiên trước.
Thị trường đang đặt cược khả năng 88% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Nhà đầu tư đang chờ báo cáo PCE tháng 3 công bố vào ngày thứ Sáu.
“Nếu số liệu lạm phát PCE sắp công bố nóng hơn dự báo, đó sẽ là một nhân tố gây bất lợi cho triển vọng giá vàng”, vì làm gia tăng khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 5 – nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định.
Hiện tại, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, khi ngân hàng First Republic Bank đang đối mặt nguy cơ “sập tiệm” mà giới chức Mỹ vẫn chưa có tín hiệu sẵn sàng giải cứu nào. Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về cuộc chiến giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà xung quanh việc nâng trần nợ quốc gia của Mỹ.
Trong phiên ngày thứ Năm, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 3,7 tấn vàng, giảm mức nắm giữ còn 926,3 tấn vàng. Trước đó, quỹ này mua ròng hơn 6,7 tấn vàng trong hai phiên đầu tuần.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.290 đồng (mua vào) và 23.630 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.