Tuần này, tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng. Giới phân tích cho rằng Nhân dân tệ có thể giảm giá thêm nữa vì nhà đầu tư đang bi quan về tiến trình phục hồi đầy gập ghềnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo hãng tin Reuters, dữ liệu kinh tế Trung Quốc gây thất vọng, chênh lệch lợi suất trái phiếu ngày càng lớn giữa với Mỹ, đợt chi trả cổ tức sắp tới của doanh nghiệp niêm yết, và dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc khi khối ngoại bán ròng chứng khoán và trái phiếu nước này là những nhân tố kéo tỷ giá Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
NHÂN DÂN TỆ “CHỊU TRẬN” VÌ KINH TẾ PHỤC HỒI YẾU
Nhân dân tệ đã giảm giá hơn 5% so với USD so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 1, trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh gần đây. Vào đầu năm, Nhân dân tệ tăng giá mạnh vì thị trường tài chính toàn cầu hứng khởi với việc nền kinh tế mở cửa trở lại. Nhưng giờ đây, Nhân dân tệ đang là một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á trong năm nay.
Tỷ giá USD/Nhân dân tệ hiện dao động quanh ngưỡng 7,12 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
“Nhân dân tệ đang ‘chịu trận’ khi câu chuyện phục hồi của kinh tế của Trung Quốc đang trở nên kém hấp dẫn hơn trước và không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp kích cầu”, nhà kinh tế cấp cao Gary Ng của Natixis nhận định. “Nhưng mặt khác, một đồng nội tệ giảm giá ở thời điểm này có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm trong năm nay”.
Xuất khẩu vốn là một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây, nhưng lượng đơn hàng mới đã giảm sút trong những tháng gần đây do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Số liệu công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 285,3 tỷ USD. Mức giảm này sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,4% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Cú giảm mạnh của tháng 5 khiến giá trị xuất khẩu trong tháng của Trung Quốc trượt xuống mức thấp hơn so với mức của thời điểm đầu năm, sau khi đã tính đến các yếu tố mùa vụ và biến động giá xuất khẩu – theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Capital Economics. “Đây là một dấu hiệu rõ rệt về nhu cầu của thế giới đối với hàng hoá sản xuất ở Trung Quốc”, ông Evans-Pritchard nhận định.
Hồi tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, số liệu gây thất vọng của tháng 5 cho thấy xu hướng của xuất khẩu Trung Quốc trong dài hạn là giảm – theo nhà kinh tế trưởng Hao Hong của Grow Investment Group nhận định. Theo ông Hong, Trung Quốc chắc chắn không thể dựa vào thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng nữa. Vị chuyên gia nhấn mạnh sự trầm lắng của nhu cầu ở Mỹ, nơi lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Bộ Thương mại Trung Quốc đã hỏi các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và ngân hàng về chiến lược tiền tệ của họ và liệu đồng Nhân dân tệ mất giá có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của họ.
Có một điều chắc chắn là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có nhiều công cụ chính sách để ngăn chặn sự biến động quá mức của tỷ giá hối đoái. Tháng trước, PBOC cho biết sẽ kiên quyết kiềm chế những biến động lớn của tỷ giá và nghiên cứu việc tăng cường tự điều tiết tiền gửi bằng USD.
“Kỳ vọng của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người dân về tỷ giá hối đoái nhìn chung ổn định là cơ sở vững chắc và một sự đảm bảo mạnh mẽ cho sự vận hành thông suốt của thị trường ngoại hối”, PBOC cho biết trong một thông cáo.
NHÂN DÂN TỆ SẼ KHÔNG SUY YẾU THÊM NHIỀU?
Mặc cho tình trạng mất giá nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ trong tháng qua, các nhà giao dịch chỉ báo cáo một số trường hợp khi các ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc bị nghi ngờ can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.
Ông Alvin Tan – người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets – nhận định: “PBOC về cơ bản có vẻ hài lòng với việc để đồng USD tăng giá khiến cho Nhân dân tệ mất giá sâu hơn, trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc đang yếu dần. Xét cho cùng, đồng tiền mất giá chính là một dạng của nới lỏng tiền tệ”. Ông Tan giữ nguyên dự báo rằng tỷ giá USD/Nhân dân tệ ở mức 7,1 Nhân dân tệ/USD vào thời điểm cuối quý 3 năm nay, trước khi kết thúc năm 2023 ở mức 7,05 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Ông Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc tại Commerzbank, cũng cho rằng PBOC “dường như chấp nhận đồng Nhân dân tệ giảm giá”, lưu ý rằng tỷ giá tham chiếu chính thức hàng ngày của đồng Nhân dân tệ trong thời gian gần đây đều phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích không mong đợi đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá mạnh từ đây. Trong số các ngân hàng đầu tư toàn cầu được Reuters khảo sát trong tuần này, tất cả đều cho biết họ không kỳ vọng Nhân dân tệ sẽ giảm giá quá mức 7,3 Nhân dân tệ đổi 1 USD trong năm nay. Đó là mức đáy thiết lập vào năm 2022, khi các biện pháp nghiêm ngặt để chống đại dịch Covid-19 gây tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc.
Chiến lược gia ngoại hối Lemon Zhang của Barclays nhận dịnh: “Đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu khi họ chuyển đổi các khoản thu bằng đồng USD sang Nhân dân tệ. Tuy nhiên, kỳ vọng về một đồng tiền yếu trong tương lai sẽ không có lợi cho dòng vốn, vì các nhà đầu tư lo ngại về tổn thất ngoại hối khi họ xem xét các tài sản định giá bằng Nhân dân tệ”.
Một đồng Nhân dân tệ yếu hơn cũng có thể làm giảm áp lực giảm phát đang nổi lên trong nhiều bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc do nhu cầu trong nước suy yếu.
Một số nhà quan sát thị trường nghi ngờ việc PBOC có thể đặt trần lãi suất đối với tiền gửi bằng USD, một động thái có thể khuyến khích các công ty bán ra USD, qua đó giảm bớt áp lực mất giá đối với Nhân dân tệ.
“Các quan chức Trung Quốc sẽ không can thiệp trừ khi tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay suy yếu nhanh chóng đến mức 7,2 Nhân dân tệ đổi 1 USD”, bà Serena Zhou – một chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities – nhận định. “Xin lưu ý rằng PBOC đã không can thiệp bằng bất kỳ công cụ chính sách nào của mình, chẳng hạn như sử dụng ‘yếu tố phản chu kỳ’ trong việc ấn định tỷ giá tham chiếu hoặc tỷ lệ dự trữ rủi ro ngoại hối, để hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ.”