Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng miếng, chuyển sang bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại, ông đánh giá thế nào về cách thức này?
Hơn 1 tháng nay, Ngân hàng Nhà nước dùng phương pháp đấu thầu vàng để tạo nguồn cung ra thị trường. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xác định mức giá khởi điểm, từ đó các tổ chức như ngân hàng thương mại, các công ty vàng tham gia đầu giá, ai có giá cao thì sẽ được mua. Thực tế triển khai cho thấy mức giá khởi điểm này khá cao và quá sát với giá của thị trường nên khó có thể thu hẹp được mức giá của thế giới.
Ông tiên lượng gì ở giải pháp mới của Ngân hàng Nhà nước, thưa ông?
Ở thời điểm hiện tại, giải pháp đấu giá vàng không thành công vì mức giá khởi điểm đưa ra quá sát giá thị trường thì khoảng cách của giá trong nước và quốc tế quy đổi rất khó thu hẹp, mục tiêu này không đạt. Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng tiếp cận sang cung ứng vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần để bán cho người dân có nhu cầu. Song, mức giá mua lẫn giá bán ra thị trường của các ngân hàng thương mại vẫn chưa được công bố.
Mặc dù mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế lên tới gần 20 triệu đồng/lượng nhưng cũng không nên chịu sức ép như vậy mà vội vàng đặt ra mức giá quá thấp so với thị trường. Thay vào đó, để giá vàng trở về sát với giá quốc tế, cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng và lộ trình.
“Giống như nhiệt độ của người bình thường là 36 tới 37 độ; khi bị sốt có thể lên tới 40 độ thì sẽ không có loại thuốc nào có thể giảm ngay nhiệt độ về mức bình thường mà cần thời gian để giảm nhiệt từ từ”.
(Ông Trương Văn Phước, Nguyên Quyền chủ tịch UBGSTC QG)
Giả định mức giá vàng quốc tế nhập vào là 72 triệu đồng/lượng, giá bán trên thị trường Việt Nam là 90 triệu đồng, mức chênh lệch là 18 triệu đồng. Mức chênh lệch này cần có một lộ trình khoảng từ 2 đến 3 tuần, mỗi tuần cần có lộ trình giảm xuống từ 4 đến 5 triệu đồng.
Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước cần có phương án để cân đối mức giá bán của mình cho các ngân hàng thương mại ở mức thấp hơn so với mức giá bán ra ngoài thị trường. Để mức giá bán ra thị trường là 85 triệu đồng/lượng thì mức giá bán của Ngân hàng nhà nước cho các ngân hàng thương mại có thể là 84,9 triệu đồng/lượng. Mức lãi 100 nghìn đồng/lượng sẽ coi như chi trả cho chi phí vận hành của ngân hàng thương mại phục vụ cho việc cung ứng vàng đến người dân. Sau vài ngày, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hạ dần mức giá bán ra thị trường còn 82 triệu đồng, rồi 79 triệu đồng… để từ đó có thể kéo giá bán vàng ngoài thị trường sát với thế giới.
Trong thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến trường hợp người dân bán vàng cho ngân hàng thương mại là nơi họ từng mua, ông nhận định gì về điều này?
Cơ chế cung ứng vàng tới đây không ảnh hưởng đến việc người dân bán vàng ở đâu, họ có thể bán cho bất kỳ nơi nào được cấp phép mua bán vàng miếng bởi Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh đất nước phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ để bảo đảm cán cân thanh toán tổng thể, ông đánh giá thế nào về việc nhà nước bỏ ngoại tệ nhập khẩu vàng chỉ để thu hẹp giá trong nước và thế giới?
Việc dùng ngoại tệ để mua vàng trên thế giới là cần thiết. Vấn đề là cân đối nhiều bài toán trong đó có việc cân đối ngoại tệ phục vụ cho các nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng trong nền kinh tế, kể cả phục vụ sản xuất hay hàng hóa tiêu dùng.
Nhà nước hoàn toàn có thể mua vàng từ người dân và xuất khẩu lượng vàng đó nhằm thu lại ngoại tệ. Dùng ngoại tệ để mua vàng thì lượng ngoại tệ đó không hề mất đi, nó chỉ hoán đổi hình thái từ ngoại tệ qua vàng. Hơn thế nữa, các quốc gia trên thế giới đang nhập vàng ào ạt. Nhu cầu mua vàng của người dân là chính đáng và bài toán cân đối ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu này là bình thường. Người dân muốn dùng Iphone, máy tính bảng…, chẳng lẽ vì tích trữ ngoại tệ thiết yếu hơn thì không nhập hay sao?
Năm 2012, một trong những điểm mấu chốt của Nghị định 24/2012 là cho phép Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng, vậy điểm đến của khối lượng vàng được cung ứng là ở đâu?
Giai đoạn đó, khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đầu thầu vàng, các hệ thống ngân hàng huy động vàng để cho vay vàng. Tác động của các giao dịch vàng cũng như các sàn giao dịch vàng làm cho hoạt động vàng biến động liên quan đến tỷ giá hối đoái. Với sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng (ban hành ngày 3/4/2012), các tổ chức tín dụng không được phép huy động và cho vay vàng, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò trực tiếp quản lý, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng và giao cho Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn sản xuất thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC.
Điều đó xuất hiện điểm nghẽn bởi nếu không huy động vàng nữa thì người dân không thể rút vàng họ gửi. Chính vì thế, hoạt động đấu thầu vàng theo tinh thần Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có ý nghĩa nhằm cung ứng vàng, tạo thanh khoản vàng cho các ngân hàng thông qua đấu theo giá. Số vàng các ngân hàng mua được từ hoạt động đấu thầu sẽ được dùng để trả lại cho người dân.
Gần đây, xuất hiện một số ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vì không còn phù hợp với tình hình, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nghị định 24 ra đời trong bối cảnh thị trường vàng chao đảo, gây biến động lớn đến thị trường ngoại hối. Vì lúc đó, trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại có huy động vàng, có cho vay vàng, lại tồn tại các sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng tài khoản,… với lượng giao dịch quá lớn và giá biến động thất thường trên thế giới đã tác động rất lớn để tỷ giá và tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại có hoạt động tín dụng vàng.
“Người dân muốn dùng Iphone, máy tính bảng…, chẳng lẽ vì tích trữ ngoại tệ quan trọng hơn thì không nhập hay sao?”
(Ông Trương Văn Phước, Nguyên Quyền chủ tịch UBGSTC QG)
Trong bối cảnh như vậy, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ra đời để giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra lúc đó nhằm ổn định tỷ giá, bảo vệ giá trị VND, lạm phát và đặc biệt là an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, nghị định chỉ cho phép Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng miếng và SJC là đơn vị thực hiện gia công từ nguyên liệu Ngân hàng Nhà nước cung cấp. Ngân hàng Nhà nước cung vàng ra thị trường bằng hình thức đấu thầu, đáp ứng nhu cầu rút vàng chính đáng của người dân.
Bây giờ thị trường đã có nhiều sự biến động nên việc đấu thầu vàng theo giá ở thời điểm này không phù hợp nữa. Theo quan điểm của tôi, nên đấu thầu vàng theo lượng, có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đưa vàng cho các ngân hàng thương mại bán ra theo khối lượng và được hưởng mức hoa hồng.
Địa chỉ bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
I/ Tại Hà Nội:
BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 1, địa chỉ: Tháp A Vincom, 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
BIDV chi nhánh Hà Thành, địa chỉ: 74 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
VietinBank số 81 Phố Huế (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng)
VietinBank tầng 1 tòa nhà Hoàng Thành số 114 Mai Hắc Đế (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), Hà Nội.
Trụ sở Agribank Chi nhánh Sở Giao dịch: Số 2 Láng Hạ, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Trụ sở Agribank Chi nhánh Hà Nội: Số 77 phố Lạc Trung, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trụ sở chi nhánh Vietcombank Sở Giao dịch: số 11 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Trụ sở chi nhánh Vietcombank Hà Nội: số 11B Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trụ sở chi nhánh Vietcombank Ba Đình: số 72 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
II/ Tại TP. Hồ Chí Minh:
BIDV Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, địa chỉ: 134 Nguyễn Công Trứ, Q1, TP. Hồ Chí Minh
VietinBank Tầng 15, tòa nhà 93 – 95 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Trụ sở Agribank Chi nhánh Sài Gòn: Số 02 Võ Văn Kiệt, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Trụ sở Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn: Số 28-30-32 Mạc Thị Bưởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Trụ sở chi nhánh Vietcombank Hồ Chí Minh: số 5 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Trụ sở chi nhánh Vietcombank Nam Sài Gòn: số 23 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Trụ sở chi nhánh Vietcombank Thủ Đức: số 50A Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
(VnEconomy cập nhật từ 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn)
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/khong-nen-giam-soc-gia-vang-trong-nuoc.htm