“Qua hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”, tôi thấy có mấy vấn đề lớn.
Thứ nhất, cần thống nhất tư duy cách tiếp cận đầy đủ, phương hướng mới về việc quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài chính. Cần quan tâm khơi thông nguồn lực tài chính gắn với sử dụng. Sử dụng phải đồng bộ vì đây không chỉ là câu chuyện riêng của ngành tài chính, mà phải đổi mới các ngành, lĩnh vực, xác định trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Thứ hai, về các công cụ kinh tế, các chuyên gia nêu ra là trong nhiều trường hợp chúng ta tiếp cận đa mục tiêu, dàn trải, phân mảnh, tự làm suy yếu cách thức khai thác, phân bổ nguồn lực,… do đó, cần đánh đổi, linh hoạt chính sách, mạnh dạn thí điểm trong một số lĩnh vực.
Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn lực, chú trọng nguồn lực tư nhân. Hiện nay, Nghị quyết số 39/NQ-TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế… chưa quan tâm đến tiêu chí khu vực tư nhân, do vậy cần thay đổi hướng tiếp cận cho phù hợp.
Ngoài ra, cần có cách nhìn về các định chế mới, cách tiếp cận mô hình quỹ, sắp xếp tài sản công, kinh tế hóa các nguồn tài nguyên, khai thác nguồn lực tài chính gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng thị trường tín chỉ carbon…”.
“Muốn đột phá thể chế cần đổi mới quan điểm, nhận thức. Muốn đổi mới quan điểm nhận thức, cần đề ra các giải pháp cụ thể trong quản lý, sử dụng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thời gian qua có một số chỉ đạo điều hành chính sách không theo quy luật kinh tế thị trường. Có thời điểm, Ngân hàng Nhà nước “tiến thoái lưỡng nan” vì cùng lúc vừa phải hạ lãi suất, giữ tỷ giá, huy động vốn…
Do vậy, chúng ta cần phải “đánh đổi” để tránh các chính sách bị thực hiện “nửa vời”, tránh tình trạng chính sách tốt nhưng thực thi không tốt. Đồng thời, cần thống nhất trong đánh giá để xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội dựa trên tiềm lực, sức cạnh tranh và quy luật kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thực thi ngân sách.
Ngoài ra, cần phải xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, điều này sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh, hiệu quả, bắt nhịp quốc tế, thu hút các nguồn lực tài chính nước ngoài, tận dung cơ hội dịch chuyển vốn quốc tế vào Việt Nam; từ đó làm lành mạnh, nâng cấp thị trường chứng khoán trong nước.
Về việc huy động nguồn lực vốn tư nhân, tôi cho rằng hiện nay vẫn vướng cơ chế, chính sách. Đặc biệt là cơ chế hành chính, để xin dự án doanh nghiệp phải chi rất nhiều. Do đó, để thu hút vốn tư nhân, cần cải cách bộ máy hành chính, cần tránh nhũng nhiễu và phải nắm bắt, góp ý, tư vấn cho doanh nghiệp”.
“Chúng ta không nên quá hồ hởi với thị trường tín chỉ carbon, vì đây là cuộc chơi lớn. Muốn có thị trường phải có hàng hóa và cơ chế mua bán. Hàng hóa là một xác nhận về việc hấp thụ carbon. Vậy ai xác nhận, làm sao để được xác nhận? Hiện nay chúng ta bán được tín chỉ carbon đều ở dưới dạng hoạt động tài trợ dưới hình thức nhà tài trợ cấp tín chỉ carbon rồi mua lại các tín chỉ đấy.
Chúng ta bắt buộc phải có thị trường tín chỉ carbon, bởi lẽ hiện nay chúng ta bị phụ thuộc vào cơ chế của các tổ chức quốc tế về đo lường phát thải và hấp thụ; ngoài ra, chúng ta phải tuân thủ hàng loạt các tiêu chí khác nhau, để áp dụng các tiêu chuẩn này cũng rất khó khăn.
Ở Việt Nam mới có thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, chưa chủ động nguồn cung, các dự án dưới dạng tài trợ. Vì vậy, cần phải xây dựng được năng lực đo, kiểm phát thải, hấp thụ; mặt khác, phải liên kết với các tổ chức để chúng ta có thể cung cấp chuẩn mực tín chỉ carbon. Đây là quãng đường rất dài phía trước bao gồm khả năng cung cấp các chuẩn mực, tiêu chí được quốc tế thừa nhận, xây dựng thị trường nội địa…”.
“Hiện nay, ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp, trong đó 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 19% doanh nghiệp FDI, chủ yếu xuất khẩu thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Toàn ngành sử dụng khoảng 3 triệu lao động, trong đó 75% là lao động nữ.
Với doanh thu xuất khẩu, doanh nghiệp dệt may luôn đứng đầu về sản lượng xuất khẩu trong nước và thuộc top 3 thế giới về dệt may, sau Trung Quốc, Bangladesh. Với tín hiệu phục hồi, năm 2024 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành là câu chuyện phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, vì đây là ngành có lợi nhuận mỏng, đầu tư lớn. Điểm qua như thị trường châu Âu có đến 11 yêu cầu, như: chỉ thị khung rác thải, chỉ thị báo cáo bền vững, thiết kế sinh thái cho phát triển bền vững…
Câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp có đáp ứng được không? Nếu không đáp ứng được thì không có đơn hàng. Lấy ví dụ như trong một năm, Tổng công ty May 10 có 100 cuộc đánh giá của các khách hàng, tổ chức cấp chứng chỉ.
Ngoài ra, công ty đang phải đầu tư như chứng chỉ tòa nhà xanh, chuyển đổi năng lượng xanh từ đốt than, đốt dầu chuyển sang đốt điện bằng viên nén sinh khối… Ngoài ra, đến nay doanh nghiệp chưa vay được vốn ngân hàng từ tín dụng xanh.
Vì vậy, tôi khuyến nghị cần có thêm công cụ tuyên truyền về vấn đề này cho doanh nghiệp hiểu hơn; đồng thời xây dựng quỹ chuyển đổi xanh. Mặt khác, cần định nghĩa rõ thế nào là sản xuất xanh để tránh sự mất cân bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi lẽ ngành dệt may có sợi, may và dệt nhuộm, mà cứ nghe dệt nhuộm liên quan đến môi trường là một số tỉnh thành lại e ngại”.
“Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN đầu tiên phát hành trái phiếu xanh từ năm 2016, nhưng đến năm 2022, tổng giá trị phát hành mới chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Con số này còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Philippines (11,9 tỷ USD), Indonesia (16,6 tỷ USD). Điều này cho thấy thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Qua quá trình cộng tác với các chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, chúng tôi nhận thấy bốn thách thức chính mà thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là: (i) thiếu các quy định cụ thể về trái phiếu xanh, đặc biệt là các tiêu chuẩn địa phương phù hợp với bối cảnh Việt Nam; (ii) chưa có các ưu đãi tài chính cụ thể như miễn giảm thuế cho trái phiếu xanh; (iii) năng lực và kiến thức về phát hành trái phiếu xanh còn hạn chế trong nhiều tổ chức; (iv) thiếu sự tham gia tích cực của nhà đầu tư trong nước.
Chúng tôi cho rằng để giải quyết những thách thức này, tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước cần ưu tiên thực hiện năm nhóm giải pháp trong thời gian tới.
Thứ nhất, tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Đây được xác định là giải pháp có tác động cao và dễ thực hiện nhất. Các nhà phát hành nên tham vấn sớm với nhà đầu tư để hiểu rõ kỳ vọng và thiết kế sản phẩm phù hợp, cũng như xây dựng mạng lưới các bên liên quan để có thể hiểu rõ hơn về trái phiếu xanh, từ nhà phát hành, nhà đầu tư cho đến các định chế trung gian.
Thứ hai, cơ quan quản lý cân nhắc nghiên cứu xây dựng chương trình hỗ trợ trực tiếp cho việc phát hành, bao gồm hỗ trợ xây dựng khung trái phiếu xanh và chi phí xác nhận.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho các thành viên thị trường thông qua hội thảo, đào tạo về trái phiếu xanh. Đây là một trong những giải pháp có tác động lớn và khả thi nhất.
Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn trái phiếu xanh phù hợp với bối cảnh Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo tính liên kết với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ năm, triển khai các chính sách ưu đãi tài chính, như miễn giảm thuế cho nhà đầu tư trái phiếu xanh…”.
“Hiện nay, tất cả các tổ chức tín dụng ở Việt Nam đều phải đối mặt với một vấn đề trong thu hút và giải ngân nguồn vốn xanh, đó chính là các quy định pháp lý về tiêu chí xanh và danh mục xanh quốc gia chưa được ban hành.
Việc tiêu chí xanh cho từng ngành nghề, lĩnh vực và Danh mục xanh quốc gia chậm trễ ban hành khiến các ngân hàng thương mại không có cơ sở để phân loại dự án, thẩm định rủi ro khi giải ngân.
Ở Ngân hàng Nam Á, chúng tôi bắt đầu giải ngân tín dụng xanh từ năm 2018. Chúng tôi huy động nguồn vốn xanh này từ các tổ chức bảo hiểm khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, các tiêu chí phân loại, thẩm định dự án hiện nay chúng tôi đều phải thực hiện theo quy định của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC). Các tiêu chí mà họ đưa ra cực kỳ chặt chẽ, tạo gánh nặng tuân thủ rất lớn cho cả ngân hàng và bên đi vay (doanh nghiệp).
Chỉ tính riêng phía ngân hàng, nguồn lực cho việc đánh giá, sàng lọc những yếu tố tác động đến môi trường, xã hội của dự án đã khiến chi phí vốn tăng lên đáng kể.
Trước khi giải ngân một dự án xanh, bền vững, ngân hàng phải đánh giá tác động, nguy cơ gây suy thoái môi trường của dự án; ảnh hưởng của dự án đến di sản văn hóa; cơ cấu lao động của người dân tại các địa phương… Quá trình đánh giá này còn kéo dài trong suốt thời gian tài trợ dự án và phải cập nhật thường xuyên.
Nếu có danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với con số tín dụng xanh hiện tại.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay, trong khi thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh”.
VnEconomy 02/09/2024 09:40
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2024 phát hành ngày 02/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/khoi-thong-nguon-luc-tai-chinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dat-nuoc.htm