Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 30/9, mặt bằng lãi suất huy động khoảng 5,9%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12,9 triệu tỷ đồng.
So với mức lãi suất huy động bình quân của cùng kỳ năm ngoái là 7,68%/năm, mặt bằng lãi suất huy động của năm nay đã giảm khá mạnh.
Lãi suất huy động giảm mạnh đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Đáng chú ý hơn là tới 30/9, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất của các khoản vay mới đã giảm theo với mức giảm 1-1,3%. Trong đó, lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5-5,7%/năm, vay trung hạn là 5,8-10%/năm.
“Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ, do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10-12%/năm. Theo tính toán của chúng tôi thì lãi suất của các khoản vay hiện hữu khoảng từ 9-12%/năm”, Phó Thống đốc cho biết.
Trong bối cảnh doanh nghiệp khó hấp thụ vốn do sản xuất suy giảm, ông Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp lớn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
“Tính đến ngày 21/9/2023, tăng trưởng tín dụng ở mức 5,91%; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm…”
Tổng cục Thống kê.
Thứ nhất, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng. Không có chuyện thiếu định mức tăng trưởng (room) tín dụng; các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay.
Thứ hai, hạ lãi suất điều hành 2% cho 4 lần. Thông điệp cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng là phải hạ lãi suất cho vay. Điều này đang diễn ra rất tích cực, nhất là 1 tháng gần đây.
Thứ ba, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật (như Thông tư 06 là một điển hình) tạo dư địa pháp lý cho các tổ chức tín dụng cung ứng sản phẩm mới, tạo thêm cạnh tranh, điều kiện cho vay nhiều hơn, đồng thời cũng tạo thêm điều kiện buộc các ngân hàng thương mại phải tính đến câu chuyện giữ khách hàng và hạ lãi suất.
Thứ tư, tái cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn nếu còn khó khăn. Cụ thể, với Thông tư 42 ngay từ đầu năm, đến nay có hơn 120 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện.
Thứ năm, gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ cũng như của ngân hàng như gói 40 nghìn tỷ đồng của ngân sách để hỗ trợ 2% lãi suất, gói 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội, gói 15 nghìn tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản cũng như xuất khẩu gỗ (hiện nay đã cho vay được gần 6 nghìn tỷ trong gói 15 nghìn tỷ). Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định nếu dùng hết gói 15 nghìn tỷ, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại sẵn sàng cung ứng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho 2 lĩnh vực này.
Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính, hạ phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để tháo gỡ vướng mắt ngay tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành nghề, hiệp hội về cơ chế chính sách…
Các giải pháp tiếp theo là truyền thông; rồi phối hợp với chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp… để cùng chính quyền địa phương xác định tại địa phương mình có những cơ chế, chính sách gì còn vướng mắc để cùng tháo gỡ. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường tín dụng, tăng cường có các chính sách xã hội và chính sách tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng… Đây là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng, từ đó sẽ tăng được tỉ lệ tín dụng…
Giải pháp cuối cùng là hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn đồng thời tham gia thị trường với tư cách nhà đầu tư vào các trái phiếu của doanh nghiệp.