Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 4, cơ quan thuế ban hành 5.015 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) với tổng số tiền thuế hoàn là 33.905 tỷ đồng, bằng 18,2% so với dự toán hoàn thuế VAT năm 2023 được Quốc hội thông qua và bằng 87% so với cùng kỳ thực hiện.
ÁCH TẮC HOÀN THUẾ Ở NHIỀU LĨNH VỰC RỦI RO
Theo quy định hiện hành, cơ quan thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hàng loạt công ty ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… phản ánh việc gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế VAT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chia sẻ gần đây, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, mỗi năm Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng. Việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số vướng mắc doanh nghiệp nêu liên quan đến hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng.
Theo đó, trong hoàn thuế hoạt động xuất khấu, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hoá hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, trong quy định về hoàn thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn trước, kiểm tra sau (hậu kiểm); tuy nhiên, trong trường hợp có rủi ro thì kiểm tra trước, hoàn sau (tiền kiểm).
“Năm 2021, Công an Phú Thọ phối hợp với cục thuế tỉnh lập chuyên án và phát hiện sự gian lận rất lớn về hoàn thuế trong xuất khẩu dăm gỗ. Chính từ thực tế này, việc hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu cần có sự tăng cường giám sát”, ông Minh nói rõ lý do phải chuyển sang tiền kiểm.
Thực tế theo ghi nhận của cơ quan thuế, lĩnh vực xuất khẩu dăm gỗ có rất nhiều rủi ro, cơ quan thuế chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh và cơ quan điều tra Bộ Công an để yêu cầu hỗ trợ việc xác minh và điều tra.
Bởi theo theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, dăm gỗ xuất khẩu thu gom từ các hộ trồng rừng là các cá nhân đơn lẻ, không nộp thuế, do đó, các doanh nghiệp hầu hết sử dụng các hóa đơn để hợp thức hoá đầu vào, dẫn đến các vụ án nêu trên.
Còn đa phần các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, hồ sơ không có rủi ro thì cơ quan thuế thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tất cả việc hoàn thuế đều có quy trình rõ ràng, để đảm bảo quy định cũng như tránh doanh nghiệp lợi dụng, trục lợi.
ĐẨY MẠNH HOÀN THUẾ ĐIỆN TỬ, GIÚP DOANH NGHIỆP QUAY VÒNG VỐN NHANH
Về công tác hoàn thuế VAT 4 tháng đầu năm, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, hoàn cho xuất khẩu là 4.531 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 28.259 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,3% tổng số đã hoàn, bằng 83% so với cùng kỳ thực hiện.
Cùng với đó, hoàn thuế cho dự án đầu tư là 271 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 5.523 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,4% tổng số đã hoàn, bằng 120% so với cùng kỳ thực hiện. Ngoài ra, hoàn cho trường hợp khác là 213 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 123 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,4% tổng số đã hoàn, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin về công tác hoàn thuế điện tử, Tổng cục Thuế cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 20/4, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 3.855 trên tổng số 3.874 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận hoàn điện tử là 5.347 hồ sơ trên tổng số 5.369 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn điện tử là 4.787 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 33.551 tỷ đồng.
“Công tác quản lý hoàn thuế được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế về hoàn thuế và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn”, Tổng cục Thuế cho biết.
Chỉ rõ lợi ích của việc hoàn thuế điện tử đem lại, Tổng cục Thuế cho biết một là, tiết kiệm thời gian, công sức trong việc gửi đề nghị hoàn thuế, hồ sơ giải trình, tài liệu bổ sung trong quá trình giải quyết hoàn thuế VAT so với gửi đề nghị hoàn trực tiếp hoặc qua đường bưu chính.
Người nộp thuế có hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT hoặc hồ sơ giải trình, tài liệu bổ sung trong quá trình giải quyết hoàn thuế VAT có thể thực hiện lập và gửi qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế.
Hai là, tiết kiệm thời gian, công sức trong việc nhận các thông báo, quyết định của cơ quan thuế.
Các thông báo, quyết định của cơ quan thuế trong quá trình giải quyết hoàn thuế VAT được cơ quan thuế gửi đến người nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế giúp giảm bớt thời gian so với gửi qua đường bưu chính và công sức của người nộp thuế do không cần đến cơ quan thuế nhận.
Ba là, công khai, minh bạch việc giải quyết hoàn thuế VAT tại cơ quan thuế.
Quá trình giải quyết hoàn thuế tại cơ quan thuế được cập nhật liên tục trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế giúp người nộp thuế biết tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế của mình.
Bốn là, giảm thiểu việc người nộp thuế phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chức năng, qua đó, giảm tiêu cực trong quá trình giải quyết hoàn thuế VAT.
Ngoài ra người nộp thuế còn được cung cấp dịch vụ lưu trữ và tra cứu hồ sơ hoàn thuế điện tử và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng dịch vụ vì các hồ sơ này đều được bảo mật trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế.
Đối với cơ quan thuế, dịch vụ hoàn thuế điện tử cũng làm giảm bớt thời gian không đáng có như thời gian vận chuyển hồ sơ. Các hồ sơ hoàn thuế đã nộp được liên kết với nhau, giúp cơ quan thuế có thể dễ dàng tra cứu, đối chiếu khi cần thiết.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, đơn vị đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc giải quyết tập trung hoàn thuế cho các doanh nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn được hoàn thuế theo quy định.
“Cục trưởng cục thuế có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận người nộp thuế và được phân loại thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế”, công văn này nêu rõ.
Bộ Tài chính cũng tổ chức nhiều buổi đối thoại với các doanh nghiệp của Hiệp hội gỗ và lâm sản xuất khẩu, các doanh nghiệp dăm gỗ để trả lời vướng mắc của doanh nghiệp.