Hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và Thực tiễn thanh tra, kiểm tra thuế hiện nay” do Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) phối hợp với Công ty cổ phần Đại An tổ chức ngày 7/8 cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đại An, Đại An mở rộng và Lai Cách tại Hải Dương.
Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động đào tạo của VIPFA trong năm 2024 nhằm trang bị cho các doanh nghiệp những kiến thức cập nhật phù hợp với những thay đổi của thị trường và quy định pháp luật của Việt Nam như thuế, kế toán, hải quan, tài chính, quản trị doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và xúc tiến đầu tư…
“Tuân thủ các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế không chỉ cải thiện chất lượng quản trị công ty mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch VIPFA phát biểu tại hội thảo.
IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung được 140 quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm tăng tính minh bạch, tính giải trình và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia chưa bắt buộc thực hành IFRS và vẫn sử dụng chuẩn mực kế toán riêng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận các thông tin về chuẩn mực IFRS.
Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính Việt Nam chính thức ban hành Quyết định số 345/QD-BTC phê duyệt “Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam”. Đây là bước quan trọng trong hành trình chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS.
Theo Quyết định này, lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn chính, gồm: giai đoạn chuẩn bị (2020 – 2021: nâng cao nhận thức về IFRS); giai đoạn áp dụng IFRS tự nguyện (2022 – 2025: thử nghiệm, đánh giá và hoàn thiện quá trình chuyển đổi) và giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS (từ năm 2025).
Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ trở thành bắt buộc đối với doanh nghiệp tại Việt Nam từ năm 2025, tuy nhiên, căn cứ vào mức độ sẵn sàng, nhu cầu của doanh nghiệp cũng như tình hình thực tế và trường hợp cụ thể.
Dù đang trong lộ trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện song theo bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Đào tạo Công ty Đào tạo Auditcare Việt Nam, các doanh nghiệp cần nhận thức được những lợi ích từ việc áp dụng IFRS đối với doanh nghiệp.
“Những lợi ích lâu dài như tăng cường tính minh bạch, khả năng so sánh và tiếp cận thị trường vốn quốc tế sẽ trở thành yêu cầu chiến lược đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới”, bà Thủy cho biết.
Theo đó, đại diện Auditcare Việt Nam mong muốn lãnh đạo các doanh nghiệp đưa bộ phận kế toán tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó xây dựng lộ trình lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế rõ ràng và chi tiết.
“Hiện nay, VAS có 26 chuẩn mực trong khi IFRS có 41 chuẩn mực. Đây là áp lực rất lớn với doanh nghiệp và cần thời gian ít nhất từ 3-4 năm cho công tác đào tạo và chuẩn bị dữ liệu cho báo cáo IFRS đầu tiên”, bà Thủy nói.
Chia sẻ về thực trạng thanh tra, kiểm tra thuế tại Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Thuế Doanh nghiệp, Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam cho biết, hiện nay 90% doanh nghiệp được lựa chọn vào kế hoạch thanh, kiểm tra được lựa chọn tự động qua hệ thống đánh giá rủi ro của cơ quan thuế, chỉ 10% được lựa chọn theo chuyên đề (giá chuyển nhượng, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, ưu đãi thuế TNDN, hoàn thuế,…).
Trong đó, hệ thống đánh giá rủi ro thuế sẽ dựa trên báo cáo tài chính doanh nghiệp, kê khai hải quan, giao dịch ngân hàng, hóa đơn điện tử… để đánh giá mức độ và phân loại rủi ro.
“Các chính sách thuế thay đổi thường xuyên nên vì vậy nhiều doanh nghiệp có thể vi phạm mà không hay. Do vậy, các doanh nghiệp thường xuyên phải nâng cao quy trình nội bộ, cập nhật các chính sách thuế và có thể sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ các giao dịch nhằm tránh tình trạng bị đưa vào nhóm rủi ro cao và suy giảm lòng tin từ phía đối tác”, ông Dũng khuyến nghị.
Là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, bà Tường Quỳnh Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại An, cho biết hiện khoảng 90% doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp của Đại An là doanh nghiệp FDI. Việc bắt buộc áp dụng IFRS sẽ giúp doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm bớt chi phí cho việc chuyển đổi báo cáo tài chính được lập theo VAS sang IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài.
“Vì vậy, Đại An sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ cho các vấn đề về thuế và báo cáo tài chính… cho các doanh nghiệp trong hệ thống các khu công nghiệp của mình, đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”, bà Hương cho biết.
Đối tượng phải lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS):
- Công ty niêm yết
- Công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất của công ty có vốn đầu tư nước ngoài (công ty đa quốc gia)
- Công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất của tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ho-tro-doanh-nghiep-khu-cong-nghiep-thuc-hanh-ifrs.htm