Ngày 23-24/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh (CIEMB) 2023” lần thứ 6.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là hội thảo quốc tế nổi bật được trường tổ chức thường niên, quy tụ các học giả trong nước và quốc tế để cùng bàn luận, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.
RỦI RO TÀI CHÍNH GIA TĂNG SAU ĐẠI DỊCH
Chia sẻ về bối cảnh kinh tế toàn cầu, GS. Roman Matousek, Đại học Queen Mary thuộc Đại học London (Vương quốc Anh), nhấn mạnh rằng một kỷ nguyên đang được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng tài chính tái diễn mà các nhà kinh tế gọi là “những khoảnh khắc của Minsky”.
“Minsky moment” được đặt theo tên của nhà kinh tế học Hyman Minsky, đề cập đến sự kết thúc của một chu kỳ bùng nổ kinh tế và chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ kéo dài của nhiều quốc gia. Sự sụp đổ đột ngột của thị trường tài chính xảy ra trong giai đoạn nền kinh tế đang ngập trong nợ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008 cũng được coi là một khoảnh khắc Minsky, được kích hoạt bởi vụ sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ.
Tại thời điểm bước ngoặt đó, bất kỳ sự kiện gây bất ổn nào như lãi suất gia tăng có thể buộc các nhà đầu tư bán tháo tài sản để lấy tiền mặt trả nợ, từ đó kích hoạt một cuộc khủng hoảng trên thị trường.
GS. Roman Matousek cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19 dù khác nhau về nguồn gốc nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng gây ra sự bế tắc đột ngột của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Do Covid-19, thâm hụt của chính phủ đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Theo ghi nhận, nợ toàn cầu, bao gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình lên mức cao kỷ lục 307.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Cũng theo vị chuyên gia này, gánh nặng nợ chính phủ trung bình của các thị trường mới nổi và các nước thu nhập trung bình sẽ vượt mức 78% GDP vào năm 2028, so với mức chỉ hơn 53% một thập kỷ trước đó.
“Nhiều thị trường mới nổi nhỏ hơn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng khi họ phải vật lộn với tác động của lãi suất cao của Mỹ đối với tình hình tài chính vốn đã mong manh của mình”, ông Roman Matousek nêu rõ.
Trước khủng hoảng và các dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang gia tăng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và hộ gia đình suy giảm, các ngân hàng đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, tỷ lệ nợ xấu cao. Lãi suất tăng cao cũng tăng gánh nặng nợ cho nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, kinh tế toàn cầu suy giảm và nền kinh tế Việt Nam không thế tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Chia sẻ thêm bên lề hội thảo, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt.
Chỉ còn hơn một tháng nữa kết thúc năm, ông Thành cho rằng năm nay rất khó khăn, không những tổng cung về mặt dài hạn chưa cải thiện một cách đáng kể. Một điểm rất quan trọng là tổng cầu suy giảm rất mạnh.
“Đến thời điểm này, những thành tố quan trọng của tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng hay cán cân thương mại vẫn chưa phải đã đạt mức mong muốn để thúc tốc độ tăng trưởng của năm nay. Vì vậy, từ nay cho đến cuối năm, chúng ta cần phải có những động thái để duy trì và tăng cường tổng cầu”, ông Thành nêu rõ.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI
Cũng theo GS.TS Tô Trung Thành, trong giai đoạn Việt Nam hiện nay, khi nền kinh tế đang gặp các vấn đề suy giảm về tổng cầu và khả năng năm nay tăng trưởng có thể không đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra, kinh tế số sẽ là một trong những động lực mới quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo.
“Kinh tế số không những giúp tăng được mức đầu tư, góp phần tăng tổng cầu mà còn ảnh hưởng rất sâu rộng và lâu dài đến phần tổng cung của nền kinh tế, giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng một cách bền vững”.
GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Một trong những điểm đáng chú ý của các nhà khoa học trong ngày hôm nay là đưa ra một số dự báo, định lượng về tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong nền kinh tế cũng như khả năng tác động của kinh tế số đến năng suất cũng như tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cũng nhận thấy rằng kinh tế số tác động rất mạnh mẽ trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng suất lao động của các doanh nghiệp.
Theo GS. Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI), nhấn mạnh về việc fintech đang thay đổi nền tài chính theo những cách cơ bản, từ quản lý đầu tư đến huy động vốn cho đến chính hình thức tiền tệ. Công ty trong lĩnh vực fintech đã tháo dỡ các rào cản và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thách thức sự hiểu biết truyền thống về cách thức hoạt động của tài chính.
Cũng theo vị chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dù năm nay mình không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra nhưng để tạo đà cho năm tới, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững, bên cạnh việc gia tăng, tập trung vào tổng cầu, đến lúc nền kinh tế cần phải tập trung vào các chính sách trọng cung.
“Một trong những điểm của chính sách trọng cung rất quan trọng, đó là cải thiện về mặt thể chế, tạo điều kiện môi trường một cách tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang suy giảm rất mạnh trong năm qua”, ông Thành lưu ý.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhiều chính sách hỗ trợ được bung ra những năm vừa qua, nổi bật là chính sách giảm thuế, hạ lãi suất nhưng một trong những điểm phải tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về mặt pháp lý.
Theo đó, các cơ quan, ban, ngành phải tích cực hơn, tháo gỡ vướng mắc khi thực thi các chính sách để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, thân thiện với nhà đầu tư, gỡ khó khi tiếp cận các nguồn lực về vốn, về đất đai, tạo động lực để nền kinh tế phát triển.