Việc Tổng thống Joe Biden ngày 21/7 tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử có thể sẽ khiến nhà đầu tư rút lui khỏi các giao dịch trước đó đặt cược vào một chiến thắng áp đảo thuộc về Đảng Cộng hòa – một kết quả có khả năng làm gia tăng áp lực tài khóa và lạm phát ở Mỹ. Một số nhà phân tích nói thị trường có thể sẽ hưởng lợi từ khả năng Quốc hội Mỹ có sự chia rẽ lớn trong khóa tới.
Các giao dịch “Trump trade” – dựa trên cơ sở cho rằng chính sách thuế của vị cựu Tổng thống sẽ giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhưng đồng thời làm suy yếu sức khỏe tài khóa dài hạn của Mỹ – đã tăng mạnh trên thị trường tài chính sau màn tranh biện thảm họa của ông Biden hồi tháng 6. Điều này được thể hiện rõ trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, với lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài tăng lên chớp nhoáng sau cuộc tranh biện và sau vụ ám sát hụt ông Trump, do những sự việc này làm gia tăng kỳ vọng rằng ông Donald Trump – ứng cử viên của Đảng Cộng hòa – sẽ tái đắc cử.
Sau đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhanh trở lại do những dấu hiệu suy yếu của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, diễn biến tăng đó phản ánh niềm tin của nhà đầu tư rằng nếu ông Trump có thêm một nhiệm kỳ nữa, các chính sách của ông sẽ dẫn tới áp lực lạm phát và chi tiêu tài khóa mạnh tay hơn.
Nhưng khi ông Biden quyết định từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng để nhường chỗ cho Phó tổng thống Kamala Harris trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, khả năng tái đắc cử của ông Trump bắt đầu bị nghi ngờ đôi chút và điều này có thể khiến nhà đầu tư giảm bớt các giao dịch “Trump trade”.
“Tình hình hiện nay thực sự khiến các giao dịch ‘Trump trade’ trở nên kém hấp dẫn hơn. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến sự đảo ngược của các giao dịch đó”, CIO Cameron Dawson của công ty NewEdge Wealth cho biết.
Theo một cuộc khảo sát được Reuters/Ipsos tiến hành trong tuần vừa rồi, ông Trump giành được tỷ lệ ủng hộ 43% ở các cử tri đã đăng ký, chỉ nhỉnh hơn 2 điểm phần trăm so với mức 41% của ông Biden.
Khi nhận sự đề cử của Đảng Cộng hòa vào hôm thứ Năm tuần trước, ông Trump một lần nữa cam kết cắt giảm thuế và hạ lãi suất. Giới phân tích cũng dự báo nếu ông Trump tái đắc cử, quan hệ thương mại sẽ gặp nhiều trở ngại, có thể dẫn tới áp lực lạm phát do thuế quan tăng.
Thu ngân sách từ thuế giảm có thể làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ, vốn đã ở mức cao vì liên tục tăng trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua, bao gồm trong nhiệm kỳ 2017-2020 của ông Trump, dù sự gia tăng mạnh mẽ của thâm hụt trong năm 2020 chủ yếu là do các chương trình kích cầu trong đại dịch Covid-19.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng trong trường hợp Đảng Dân chủ nắm Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, một kết quả bầu cử cân bằng hơn giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ có thể giảm bớt nguy cơ về sự chi tiêu quá mức như trong trường hợp phe Cộng hòa giành cả Nhà Trắng lẫn thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lưỡng viện Quốc hội.
Quốc hội Mỹ hiện đang tồn tại sự phân cực lớn, với Hạ viện nằm dưới sự kiểm soát của những người Cộng hòa chiếm đa số mong manh, còn Thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số. Một Quốc hội chia rẽ thường được giới đầu tư xem là có lợi cho thị trường vì sẽ khiến một trong hai đảng khó thông qua được những thay đổi lớn về chính sách.
Một số nghị sỹ Dân chủ đã cảnh báo rằng việc ông Biden lúc đầu từ chối rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng – việc đã khiến nhiều nhà tài trợ của Đảng Dân chủ quay lưng lại với đảng này – có thể khiến phe Dân chủ thua cuộc trong bầu cử Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên, việc ông Biden rút lui sẽ làm gia tăng cơ hội cho Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát ít nhất một trong hai viện Quốc hội – theo nhà quản lý danh mục Brij Khurana của công ty Wellington Management Company.
“Một quốc hội với quyền kiểm soát không nghiêng hẳn về đảng nào sẽ đồng nghĩa với lợi suất trái phiếu thấp hơn nhiều so với mức hiện tại”, ông Khurana nói, cho rằng trong một kịch bản như vậy, Chính phủ Mỹ sẽ phải kiềm chế việc phát hành trái phiếu.
Ông Jamie Cox, nhà quản lý quỹ của công ty Harris Financial Group, nói thị trường có thể đang định giá lại khả năng cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ giành thế áp đảo trong Quốc hội Mỹ. “Đảng Cộng hòa có khả năng giành được Thượng viện, nhưng Hạ viện rất có khả năng rơi vào tay Đảng Dân chủ”, ông Cox nói.
Nhà quản lý danh mục Jack McIntyre của công ty Brandywine Global Investment Management cũng cho rằng một Quốc hội có sự phân cực lớn sẽ có lợi cho thị trường.
Giới đầu tư thì cho rằng mức độ biến động trên thị trường có thể tăng lên khi sự bất định liên quan tới bầu cử ở Mỹ tiếp diễn.
“Ông Biden rút lui là một mức độ hoàn toàn mới của bấp bênh chính trị. Đây có thể sẽ là chất xúc tác cho biến động thị trường”, Giám đốc Gina Bolvin của công ty Bolvin Wealth Management Group phát biểu.
Nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhất là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đã tăng mạnh gần đây, một phần nhờ khả năng ông Trump thắng cử và một phần nhờ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp giảm lãi suất. Giá tiền ảo cũng tăng do dự báo rằng lạm phát sẽ tăng khi ông Trump tái đắc cử. Ngoài ra, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4 trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
“Thị trường không thích sự bấp bênh, và sự xuất hiện của một ứng cử viên Dân chủ còn chưa được biết rõ chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư càng cảm thấy không thoải mái. Chúng tôi không biết thị trường ngày mai hay tuần tới sẽ thế nào. Bởi vậy, nhà đầu tư nên cẩn trọng”, Giám đốc đầu tư Rafia Hasan của công ty Perigon Wealth phát biểu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gioi-dau-tu-se-phan-ung-theo-huong-nao-sau-khi-ong-biden-bo-tranh-cu.htm