Giá vàng thế giới tăng phiên đêm qua và sáng nay (19/8), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống trong bối cảnh nhà đầu tư chờ các báo cáo quan trọng về kinh tế Mỹ trong tuần này. Trong nước, giá vàng miếng vững trên ngưỡng 68 triệu đồng/lượng và tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng mạnh.
Lúc gần 10h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,08 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,5 triệu đồng/lượng và 68,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 56,17 triệu đồng/lượng và 57,02 triệu đồng/lượng, tăng 60.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.922,5 USD/oz, tăng 1,9 USD/oz, tương đương tăng 0,1%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại thị trường Mỹ – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương 56,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 450.000 đồng/lượng. Đóng góp nhiều vào mức tăng này là xu thế tăng mạnh của tỷ giá USD/VND.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.930 đồng (mua vào) và 23.300 đồng (bán ra), tăng 110 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua. Đà tăng mạnh của giá USD trong nước phù hợp với xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 11,8 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn chênh 0,9 triệu đồng/lượng.
Phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay tăng 4,8 USD/oz, tương đương tăng 0,25%, chốt ở mức 1.920,6 USD/oz.
Áp lực giảm đối với giá vàng đã dịu đi khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thang trong phiên đầu tuần. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm dưới mốc 4,2%, sau khi đạt mức cao nhất 16 năm ở 4,35% vào đầu tuần trước.
Tuy nhiên, vàng tiếp tục chịu sức ép giảm giá từ xu hướng tăng được duy trì của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Hai gần 104,1 điểm, gần mức cao nhất trong 6 tháng. Chỉ số này đã tăng khoảng 1,6% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Tâm điểm chú ý của tuần này là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được ưa chuộng của Fed – dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm, và báo cáo việc lạm tổng quát tháng 8 dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu.
“Nếu các số liệu về tuyển dụng, việc làm và tiền lương còn mạnh, điều đó có thể đồng nghĩa lạm phát sẽ dai dẳng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities nhận định với hãng tin Reuters.
“Giá vàng có thể giảm trở lại về ngưỡng 1.900 USD/oz nếu các số liệu kinh tế còn mạnh. Tôi không loại trừ khả năng giá vàng có thể giảm về 1.840 USD/oz”, ông Melek nói.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 56% Fed tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm 2023, và khả năng 40% Fed giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm.
Phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư về triển vọng giá vàng, số liệu hôm thứ Sáu cho thấy các nhà đầu cơ vàng trên sàn COMEX cắt giảm trạng thái đầu cơ giá lên trong tuần kết thúc vào ngày 22/8.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cũng tiếp tục xu hướng bán ròng. Xả 2,4 tấn vàng trong phiên ngày thứ Hai, quỹ giảm khối lượng nắm giữ còn 886,6 tấn vàng.