Cập nhật các bản tin thị trường cho thấy, kết thúc tuần giao dịch từ 2 đến 6/10/2023, tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng tăng khoảng 70 đồng, ở mức 24.372 – 24.382 (mua vào-bán ra).
Trong tuần trước, tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay 24.550 – 24.600. Chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong và ngoài nước dù đã thu hẹp phần nào nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng trên 15 triệu đồng/lượng.
Sáng 9/10/2023, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp. Tại thị trường Hà Nội, lúc 7 giờ, đồng USD giao dịch (mua – bán) ở quanh mức 24.594 – 24.661 đồng/USD, tăng mạnh 48 đồng/USD chiều mua vào và tăng 55 đồng/USD chiều bán so với giao dịch cùng thời điểm này sáng 8/10.
Giới phân tích nhận định, cuộc tấn công bất ngờ tại biên giới Israel tiếp nối những bất ổn tại khu vực Trung Đông đã hỗ trợ đồng USD tăng điểm trở lại vào ngày đầu tuần này trong khi giá dầu thế giới tăng hơn 3%.
Cụ thể, sáng 9/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Dollar-Index (DXY) – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,24% so với phiên trước.
Trước đó, chỉ số DXY đã giảm 0,31% trong tuần từ 2 đến 6/10/2023 và đóng cửa ở mức 106,1 điểm, đồng thời cũng kết thúc chuỗi 11 tuần tăng điểm liên tiếp sau khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ được công bố với số lượng việc làm được cải thiện mạnh nhưng tốc độ tăng lương đang chậm lại.
Cụ thể, có thêm 336 ngàn việc làm được tạo ra trong tháng trước cao hơn nhiều so với số dự báo 170 ngàn việc làm. Dữ liệu này đã thắp lại hy vọng cho thị trường về một đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED vào cuối năm 2024 dù hiện tại vẫn chưa chắc chắn vào khả năng cơ quan này đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của mình hay chưa. Dự kiến, dữ liệu CPI tháng 9 của Mỹ công bố trong tuần này có thể tiếp tục củng cố quan điểm của FED “giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn”.
Cũng trong tuần từ 2 đến 6/10, giá dầu thô ghi nhận mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 3, sau khi lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga được dỡ bỏ cùng với những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu do những khó khăn kinh tế vĩ mô thế giới. Giá dầu Brent đã giảm khoảng 11% và dầu WTI giảm hơn 8%, do lo ngại rằng lãi suất tăng cao liên tục sẽ làm chậm tăng trưởng toàn cầu và cản trở nhu cầu nhiên liệu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, quyền lực kinh tế Mỹ gia tăng, dòng vốn có xu hướng dịch chuyển về môi trường lãi suất cao.
Giới phân tích nhận định diễn biến thuận chiều của giá hàng hoá và chỉ số DXY đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước hai áp lực về lạm phát và tỷ giá.
Theo các chuyên gia, nếu DXY tăng vượt ngưỡng 110, Ngân hàng Nhà nước có thể phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành linh hoạt thị trường mở để định tỷ giá. Kể từ ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước kích hoạt trở lại việc hút tiền đồng thông qua đấu thầu tín phiếu.
Riêng tuần từ 2 đến 6/10, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 46,9 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất trúng thầu là 1,3%; riêng phiên 6/10 giảm nhẹ còn 1,28%. Luỹ kế từ 21/9 đến 6/10/2023, nhà điều hành đã hút ròng gần 140.700 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu.