Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Để thực hiện mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia và hạn chế lạm dụng rượu, bia, tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 quy định lộ trình tăng thuế từ năm 2016-2018.
NÂNG THUẾ ĐỂ GIẢM TIÊU DÙNG RƯỢU VÀ BIA
Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn qua, Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu bia còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Còn theo Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm. Chưa kể, rươụ bia còn là để lại nhiều hệ luỵ khác cho xã hội như bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo…
Bộ Y tế cũng chỉ ra rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49; gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Chưa kể, ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam của năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: (i) Rượu từ 20 độ trở lên: 65%; (ii) Rượu dưới 20 độ: 35%; (iii) Bia: 65%.
Theo ghi nhận, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, tăng 20% so với năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, tăng nhẹ so với năm 2015.
Cũng theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành Việt Nam đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9 lít/người năm 2019.
Tỷ lệ nam giới uống rượu bia ở mức cao, năm 2021 có 64,2% nam và 9,8% nữ hiện uống rượu bia trong 30 ngày qua. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến, đặc biệt ở nam giới (28,3% năm 2021).
Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 – 85% giá bán lẻ.
Do vậy, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia từ năm 2016-2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.
ĐỒNG LOẠT TĂNG THUẾ 15% TỪ NĂM 2026
Viện dẫn cơ sở để tăng thuế suất với mặt hàng rượu, bia lần này, Bộ Tài chính nêu rõ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.
Điểm b khoản 1 Mục III Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó đối với thuế tiêu thụ đặc biệt: “xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030″.
Tại Đề nghị xây dựng Luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nguyên tắc tăng thuế: “Điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế tỷ lệ phần trăm) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới”.
Từ những lập luận nêu trên, trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế tỷ lệ phần trăm) đối với mặt hàng rượu, bia.
Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình và nghiêng về phương án 2.
Một là, đối với rượu từ 20 độ trở lên, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Hai là, đối với rượu dưới 20 độ, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Ba là, đối với mặt hàng bia, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giả sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm nhất và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
NHIỀU DOANH NGHIỆP NGÀNH RỰOU, BIA LỖ NẶNG
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) từng gửi “tâm thư’ đến các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành khi có đề xuất xem xét bổ sung dự án thuế tiêu thụ đặc biệt vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội từ năm 2025 trở đi và xem xét tính đồng bộ, thống nhất của các luật thuế.
Theo VBA, cần cân nhắc thời gian có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là sau 12 tháng kể từ khi luật thuế (sửa đổi) được ban hành và giãn lộ trình thực hiện hợp lý để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh và lên kế hoạch thực hiện chính sách có tác động lớn và tránh tác động tăng sốc thị trường.
Các đề xuất cần dựa trên cơ sở khoa học, tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiệu quả và mức độ đạt được các mục tiêu của lần tăng thuế gần nhất, các đánh giá tác động toàn diện không chỉ đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn bao gồm cả các mục tiêu khác như sức khỏe, ngân sách, kinh tế-xã hội, các đối tượng chịu tác động gián tiếp.
Lãnh đạo VBA Nguyễn Văn Việt cho rằng các doanh nghiệp ngành đồ uống đã và đang phải chịu tác động kép từ tình hình thế giới và những chính sách liên quan, đặc biệt là Luật Phòng chống tác hại rượu bia và các luật liên quan. Quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia sụt giảm doanh thu kéo dài và ngày càng trầm trọng.
Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15-30%. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện một số chi phí về mua tem thuế (ngành rượu), đóng góp vào phí bảo vệ môi trường bắt đầu từ năm 2024.
Các doanh nghiệp rượu phải đối mặt với khó khăn vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 70% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.
Cũng theo VBA, tổng doanh thu thuần của nhóm rượu bia niêm yết trên sàn chứng khoán giảm gần 20%, còn hơn 45.000 tỷ đồng năm 2023 từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, Sabeco giảm 12%, chỉ đạt 30,7 nghìn tỷ đồng; Habeco giảm 8%, đạt 7.757 tỷ đồng. Đối với Heineken, lợi nhuận tại Việt Nam giảm 32% so với cùng kỳ, trong khi các thị trường khác đều tăng.
Với doanh nghiệp rượu trong nước, Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm, đến cuối năm 2023, Halico lỗ quý thứ 27 liên tiếp và lỗ luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gia-ruou-bia-du-kien-tang-20-tu-2026-sau-khi-dong-loat-tang-thue-tieu-thu-dac-biet.htm