Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết đến nay công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương đã có tiến triển và đạt nhiều kết quả khả quan.
NHIỀU DỰ ÁN ĐẢO CHIỀU BÁO LÃI, DỨT LỖ LUỸ KẾ
Theo cơ quan này, thứ nhất, 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý.
Đáng chú ý, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 của Công ty cổ phần DAP – Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022.
Trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thị trường của DAP 1 ước đạt 3.319,24 tỷ đồng (tăng 11,7% kế hoạch năm và tăng 12,8% so với cùng kỳ).
Tổng doanh thu thuần ước đạt 3.295,72 tỷ đồng (tăng 8,9% kế hoạch năm và tăng 13,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 354,155 tỷ đồng, tăng ấn tượng 83,6% so với kế hoạch năm và tăng 85,5% so với cùng kỳ.
“Tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong đó, một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án, doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị – xã hội tại địa phương”, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh đánh giá.
Còn dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (DTY) chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.
Kết quả sản xuất DTY năm 2022 ước khoảng 10.314 tấn sợi các loại, đạt 100% so với kế hoạch năm 2022 điều chỉnh; tổng doanh thu ước khoảng 219 tỷ đồng (đạt 100% so với kế hoạch điều chỉnh). Lợi nhuận trước định phí ước khoảng 30,58 tỷ đồng, vượt 84% so với năm 2021.
Đối với 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện phương án xử lý, bảo đảm đúng theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thứ hai, 3 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm: dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai. Đối với các dự án này, cấp có thẩm quyền có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ đối với 3 dự án.
Bước đầu, các doanh nghiệp này duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
Trong đó, với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, công ty vẫn nỗ lực duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao.
Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức song hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đạt lợi nhuận thực hiện là 1.779 tỷ đồng, tăng lãi tới 1.770 tỷ đồng so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông thông qua và tăng lãi 1.773 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Còn với dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.009 tỷ đồng, bằng 134% so với kế hoạch năm và bằng 150% so với thực hiện năm 2021. Tổng doanh thu ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 135% với kế hoạch năm và đạt bằng 148% so với thực hiện năm 2021. Đáng chú ý, ước lãi 928 tỷ đồng, tăng lãi 856 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng lãi 985 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Với dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, công ty cơ bản đã thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 đạt lợi nhuận là 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm lỗ 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
DỰ ÁN TISCO 2 “ĐẮP CHIẾU” GẦN 20 NĂM CÓ CHUYỂN BIẾN LỚN
Cũng theo thông tin từ Uỷ ban, ba dự án, doanh nghiệp còn lại trong danh mục giao Ủy ban chủ trì xử lý gồm: dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên – Tisco 2, dự án Nhà máy Thép Việt Trung – VTM, dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất – DQS.
Đối với ba dự án này, Ủy ban có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định của pháp luật và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo.
“Đối với dự án Tisco 2, đây được coi là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay công tác xử lý các tồn tại, vướng mắc của dự án đã có nhiều tiến triển tích cực”, lãnh đạo Ủy ban thông tin.
Theo đó, từ ngày 14-24/10/2022, Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về dự án Tisco 2. Chuyến công tác tạo bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của dự án Tisco 2 khi lần đầu tiên hai bên cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị tập kết tại hiện trường.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của đoàn công tác Ủy ban từ ngày 13-19/3/2023, các bên liên quan của dự án Tisco 2 tiến hành nhiều phiên đàm phán.
Kết thúc đàm phán, hai bên ký kết biên bản làm việc, trong đó đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản; đề xuất của MCC về phương hướng giải quyết và đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể để làm cơ sở để triển khai các bước đi tiếp theo. Đây là bước tiến quan trọng sau 7 năm đàm phán trước đó giữa TISCO và MCC mà không ký kết được bất kỳ văn bản nào.
“Đây là lần đầu tiên hai bên tổ chức được cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo cao nhất của chủ đầu tư và tổng thầu sau 7 năm”, lãnh đạo Uỷ ban thông tin.
Trên cơ sở kết quả đàm phán tại Bắc Kinh, từ ngày 30/3/2023, Đoàn chuyên gia của MCC sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất phương án khôi phục dự án Tisco 2. Đến cuối ngày 25/4/2023, đoàn chuyên gia MCC gửi TISCO bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với dự án Tisco 2.
Dự kiến, MCC sẽ có cáo cáo đánh giá chính thức về phương án xử lý dự án vào cuối tháng 5/2023. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phía Việt Nam sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo và Ủy ban phương án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Còn đối với dự án Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (dự án DQS), Ủy ban có nhiều chỉ đạo cụ thể đối với dự án. Theo đó, Uỷ ban chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và DQS cần có trách nhiệm trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu, khẩn trương đánh giá sát tình hình thực tế, khả năng hoạt động thời gian tới, xem xét tất cả các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật để đề xuất phương án xử lý dứt điểm, khả thi và xác định rõ điều kiện về cơ chế, chính sách, cấp có thẩm quyền xử lý.
Ngoài ra, đối với dự án Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM), Ủy ban có các chỉ đạo yêu cầu SCIC, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) làm việc với các bên liên quan tại VTM để thống nhất phương án khôi phục sản xuất kinh doanh; bảo vệ nhà máy, tài sản, máy móc thiết bị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu theo đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và các quy định pháp luật.
Các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương thuộc 6 nhóm ngành sản xuất bao gồm:
4 dự án sản xuất phân bón (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai);
3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (các Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học: Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước);
2 dự án sản xuất thép (Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và xây dựng Nhà máy gang thép Lào Cai – Nhà máy Thép Việt Trung, Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên);
1 dự án sản xuất sơ xợi polyester (Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ – PVTex); 1 dự án đóng tàu (Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất – DQS);
1 dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu giấy (Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam).