ERPA được ký kết bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan thực hiện chương trình cùng với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới – WB) với tư cách là bên nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF).
Với thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này 51, 5 triệu USD (tương đương 1.235 tỷ đồng).
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương và là quốc gia thứ 5 trên thế giới đạt được thoả thuận quan trọng này với FCPF.
Sau 1 năm ký thoả thuận, các đối tượng được hưởng lợi từ ERPA sắp được chi trả thông qua BIDV – một trong những ngân hàng thương mại nhà nước đi đầu triển khai các chương trình tài chính xanh. Tính đến 30/06/2023, BIDV dẫn đầu các ngân hàng thương mại trong việc tài trợ dự án thuộc lĩnh vực tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 66.176 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV. Dự kiến đến năm 2025, dư nợ cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững sẽ đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ BIDV….
Các Thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu.
Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỷ USD.
Để ký được thỏa thuận này, Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu rất cao về kỹ thuật như: năng lực đo lường, báo cáo về lượng phát thải theo chuẩn mực quốc tế, cũng như khả năng phân phối, chi trả các khoản cho các đối tượng được hưởng lợi ở các địa phương.
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng.
Khu vực Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế-xã hội.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn khu vực có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha; trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận.
Diện tích rừng của khu vực trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.
Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, góp phần đầu tư cho các hoạt động giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập cho chủ rừng; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, có 5 đối tượng hưởng lợi từ ERPA gồm:
1- Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp được giao quản lý rừng tự nhiên.
2- Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật.
3- Cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân cấp xã có Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức.
4- Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
5- Các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tại địa bàn 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.