Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của ECB và không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, lãi suất cơ bản đồng euro tăng lên mức 4%, phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2001 – thời điểm ECB phải tăng mạnh lãi suất để bảo vệ tỷ giá đồng euro khi đồng tiền chung này mới được đưa vào sử dụng.
Cùng với quyết định nâng lãi suất, ECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế eurozone, khiến cho đồng euro vốn đã yếu sẵn lại tiếp tục giảm giá so với USD. Cuối phiên, tỷ giá euro so với đồng bạc xanh giảm 0,75%, còn 1,065 USD đổi 1 Euro.
Hiện tại, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều tin rằng các ngân hàng trung ương lớn đã gần đến lúc kết thúc chiến dịch tăng lãi suất bắt đầu từ năm ngoái. Cơ sở cho dự báo này là tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang giảm xuống và tăng trưởng cũng giảm tốc dưới áp lực của lãi suất đi vay tăng cao.
Tuần tới sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (ECB). Giới phân tích dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, trong bối cảnh lạm phát Mỹ đã giảm tốc nhưng vẫn còn ở mức cao hơn so với mục tiêu lạm phát cả năm 2% của Fed. Về BOE, các chuyên gia dự báo khả năng tăng lãi suất là cao hơn, bởi mức lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu 2%.
Tuyên bố sau cuộc họp ngày 14/9 của ECB có tín hiệu rằng lãi suất ở khu vực eurozone có thể đã đạt đỉnh. Lý giải về động thái tăng lãi suất cùng ngày, ECB nói rằng đợt nâng này đưa “lãi suất lên tới mức mà nếu được duy trì trong một thời gian đủ dài, sẽ đóng góp quan trọng trong việc đưa lạm phát về mục tiêu một cách kịp thời”.
“Đây là một đợt tăng lãi suất mang tính chất mềm mỏng… ECB đã phát tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức này”, nhà kinh tế trưởng Tomasz Wieladek của T Rowe Price nhận định với tờ Financial Times.
Tại họp báo sau cuộc họp của ECB, Chủ tịch Christine Lagarde của ECB một lần nữa nhấn mạnh một điểm trong tuyên bố của ECB rằng mức lãi suất hiện nay sẽ có ảnh hưởng lớn đến lạm phát. Nhưng bà Lagarde cũng bày tỏ sự thận trọng nhất định, nói rằng các nhà hoạch định chính sách chưa thể khẳng định chắn chắn rằng mức lãi suất này đã là mức đỉnh.
Nhà hoạch định chính sách tiền tệ cấp cao nhất của khối sử dụng đồng tiền chung cũng tiết lộ rằng “đại đa số” các thành viên ủng hộ động thái tăng lãi suất ngày 14/9, chỉ có một số ít thành viên muốn dừng tăng lãi suất. Trong khi đó, trước cuộc họp, các thành viên hội đồng thống đốc ECB dường như được chia thành hai phe rõ rệt, với một bên muốn dừng tăng lãi suất về tăng trưởng suy yếu, hoạt động cho vay của các ngân hàng suy giảm, thị trường việc làm đi xuống, và lạm phát giảm, và một bên muốn tiếp tục tăng lãi suất vì lạm phát vẫn còn quá cao.
Lần họp này, ECB nâng dự báo lạm phát tại khu vực eurozone của năm nay lên 5,6% từ mức 5,4% trước đó, và của năm tới lên 3,2% từ 3%. ECB hạ dự báo lạm phát của năm 2025 về 2,1% từ 2,2%, nhưng nói rằng tốc độ gia tăng của giá cả “vẫn được kỳ vọng giữ ở mức quá cao trong thời gian quá dài”.
Lạm phát ở eurozone đã giảm từ mức đỉnh 10,6% vào năm ngoái xuống còn 5,3% vào tháng 8 vừa qua, nhưng xu hướng tăng gần đây của giá dầu đặt ra lo ngại rằng quá trình giảm lạm phát sẽ trở nên gập ghềnh.
Triển vọng xấu đi của nền kinh tế eurozone được thể hiện qua việc ECB giảm dự báo tăng trưởng năm nay còn 0,7% từ mức 0,9% đưa ra trong lần dự báo trước, và năm tới còn 1% từ 1,5%.
Giáo sư kinh tế Eric Dor của Trường Quản lý IESEG ở Paris nó rằng châu Âu có thể sẽ bước vào một thời kỳ tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao dai dẳng, thường gọi là “stagflation”. “Tình trạng stagflation giờ đây rất có khả năng xảy ra ở eurozone”, ông Dor viết trên mạng xã hội X.