Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 26/10 giữ nguyên lãi suất sau chuỗi kỷ lục 10 lần tăng liên tiếp. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh những lo ngại ngày càng lớn về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro.
Theo tờ Financial Times, việc ECB dừng tăng lãi suất không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích vì lạm phát ở eurozone hiện đã giảm hơn một nửa so với đỉnh và nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu suy yếu. Lãi suất tiền gửi tham chiếu của ECB được giữ ở mức 4%, tăng 4,5 điểm phần trăm từ mức thấp kỷ lục âm 0,5% trước khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này được khởi động.
Cuộc họp chính sách tiền tệ này của ECB diễn ra trước các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào tuần tới. Fed và BOE cũng được giới phân tích dự báo sẽ đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất, vì lạm phát ở Mỹ và Anh cũng đã giảm nhiều so với đỉnh.
Đối với các ngân hàng trung ương lớn này, câu hỏi đặt ra hiện nay là lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian bao lâu để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Trong họp báo sau cuộc họp ngày 26/10 của ECB, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói bà không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa, đồng thời nói thêm rằng hiện là lúc còn quá sớm để bàn việc cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng bà Lagarde đã phát đi một tín hiệu mêm mỏng trong quyết định lãi suất này của ECB, khi bà nhấn mạnh việc lãi suất đã tăng được bao nhiêu và mức tăng đó đang gây áp lực giảm như thế nào lên các hoạt động kinh tế. Bà dự báo tăng trưởng “có thể sẽ tiếp tục yếu trong thời gian còn lại của năm nay” do ảnh hưởng của lãi suất cao đang lan rộng hơn trong nền kinh tế.
Khi được hỏi về rủi ro mà cuộc chiến tranh Israel-Hamas – nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh gần đây – đặt ra đối với kinh tế châu Âu, bà Lagarde nói ECB “rất chú ý” tới tác động của căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng eurozone “ngày nay là một nền kinh tế hoàn toàn khác” so với ở thời điểm khi giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái. Bà Lagarde cho rằng đợt tăng này của giá dầu sẽ ít khả năng thẩm thấu thành áp lực giá cả trên diện rộng hơn so với năm ngoái.
“Lẽ ra bà ấy có thể nhấn mạnh thêm về rủi ro lạm phát từ cuộc chiến ở Trung Đông, nhất là khi châu Âu vừa trải qua một cú sốc năng lượng đã bị đánh giá thấp lúc đầu. Tôi cho là bà ấy khá mềm mỏng”, nhà kinh tế Dirk Schumacher của ngân hàng Pháp Natixis nhận định.
Ở eurozone hiện nay, mối lo về lạm phát đã giảm đi nhiều trong bối cảnh mối lo ngày càng lơn về tình trạng suy yếu của nền kinh tế. Giới phân tích số liệu GDP quý 3 công bố vào tuần tới sẽ cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế khu vực này.
Lạm phát ở eurozone đã giảm từ đỉnh 10,6% cách đây 1 năm xuống còn 4,3% vào tháng 9 vừa qua. Một số chuyên gia dự báo con số lạm phát giảm về gần ngưỡng 3% khi số liệu của tháng 10 được công bố vào ngày thứ Ba tuần tới.
ECB nói rằng việc duy trì lãi suất ở mức hiện tại “trong một thời gian đủ dài” sẽ “đóng góp quan trọng” vào việc đạt mục tiêu lạm phát, đồng thời cho biết “lãi suất sẽ được thiết lập ở mức đủ thắt chặt trong thời gian đủ dài”.
“Chúng tôi cho rằng ngưỡng để ECB có thêm một đợt tăng lãi suất nữa là cao. Nhưng ngưỡng để bắt đầu cắt giảm lãi suất còn cao hơn nữa”, chiến lược gia cấp cao Ann-Katrin Petersen của BlackRock Investment Institute nhận định.