Theo kết quả khảo sát về hoạt động thanh toán không tiền mặt của IDG Việt Nam, đến giữa tháng 5/2023, có 41% lượng giao dịch không sử dụng tiền mặt, so với 28% hồi 2020. Trong đó, hai hình thức thanh toán phổ biến nhất là qua App/QR Code (66%) và thanh toán qua máy POS (1 chạm, NFC) với 14% người khảo sát đang sử dụng. Phần lớn người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt để mua bán trên sàn thương mại điện tử (87%), chuyển khoản (77%)…
Là một ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, Sacombank đã, đang và sẽ triển khai rộng rãi máy giao dịch thông minh STM, đưa vào vận hành Contact Center thế hệ mới tích hợp AI, hoạt động đa kênh; ngân hàng số hợp kênh Omnichannel tạo ra trải nghiệm đồng bộ và liền mạch.
TRẢI NGHIỆM NGÂN HÀNG SỐ AN TOÀN, NHIỀU TIỆN ÍCH
Trong 2 ngày 17 và 18/10/2023, tham gia sự kiện “Chuyển đổi số thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt” – nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Tuần lễ chuyển đổi số của TP.HCM với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”, Sacombank đã mang đến cho người tham dự nhiều trải nghiệm về ngân hàng số như mở tài khoản thanh toán bằng công nghệ eKYC có ngay trong 5 giây; thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ/Apple Pay/Google Pay; quét QR để thanh toán/chuyển tiền/rút tiền nhanh chóng;
Ngoài ra, công nghệ Tap to Phone cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng thiết bị di động Android như một máy POS để thanh toán không tiếp xúc; công nghệ NFC cho phép khách hàng dùng điện thoại di động cài đặt Sacombank Pay trên hệ điều hành Android để thanh toán không tiếp xúc trên máy POS hoặc thiết bị di động có tính năng Tap to Phone; hệ sinh thái ngân hàng hiện đại dành cho doanh nghiệp (dịch vụ tài khoản, dịch vụ chi lương, thẻ doanh nghiệp, ngân hàng điện tử…).
Đại diện Sacombank khẳng định, xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển. Những năm gần đây, Sacombank tích cực đầu tư hạ tầng và áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo hơn trong công tác quản trị, điều hành, vận hành, kinh doanh… theo bốn yếu tố cốt lõi gồm: Hạ tầng công nghệ, giải pháp số hóa toàn diện, sản phẩm – dịch vụ số, con người và tư duy số.
Nhờ đó, một số thành tựu chuyển đổi số nổi bật trong năm 2023 của Sacombank như triển khai thành công máy giao dịch thông minh STM tại một số chi nhánh trọng điểm với các tiện ích vượt trội như giao dịch bằng giọng nói và tương tác chạm; giao diện thân thiện, dễ sử dụng; an toàn, bảo mật với 2 lớp xác thực.
Tại STM, khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán; nộp/rút tiền mặt bằng thẻ/căn cước công dân; cập nhật chứng minh nhân dân sang căn cước công dân; mở/rút/tất toán tiết kiệm trực tuyến; kích hoạt và tạo mã PIN; rút tiền bằng mã QR; phát hành nhanh thẻ thanh toán và in thẻ vật lý…
Bên cạnh đó, website Sacombank cũng được cải tiến, bổ sung các tính năng phân tích, cá nhân hóa hành vi người dùng, chatbox để tư vấn trực tuyến cho khách hàng, tích hợp công cụ tính toán cho các sản phẩm bảo hiểm/tiền gửi/tiền vay/trả góp… Hệ thống phân luồng giao dịch tại quầy giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót trong xử lý giao dịch.
Trong thời gian tới, Sacombank dự kiến triển khai rộng rãi máy giao dịch thông minh STM và bổ sung thêm nhiều tính năng tiện ích nổi bật khác; đưa vào vận hành nền tảng Contact Center thế hệ mới tích hợp AI, hoạt động đa kênh, thông suốt 24/7 đảm bảo phục vụ khách hàng nhanh chóng; ngân hàng số hợp kênh Omnichannel tạo ra trải nghiệm đồng bộ và liền mạch cho khách hàng trên nhiều kênh giao tiếp khác nhau.
TRẢI NGHIỆM MUA SẮM NHANH CHÓNG, LIỀN MẠCH
Theo các chuyên gia ngân hàng, thẻ hay các ứng dụng ngân hàng số là công cụ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và phù hợp với lối sống hiện đại, chuộng công nghệ như ngày nay. Cùng với việc ứng dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC) giúp việc mở tài khoản thanh toán đã trở nên rất dễ dàng hơn. Đa phần các ngân hàng đều đã áp dụng eKYC hỗ trợ khách hàng mở tài khoản ở nhiều kênh khác nhau. Nhờ đó, thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển.
Đơn cử Sacombank Pay, không chỉ có các tính năng của một ngân hàng truyền thống như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn,…ứng dụng này còn hỗ trợ khách hàng hầu hết các dịch vụ thiết yếu như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua bảo hiểm,… Người dùng cũng có thể sử dụng các tiện ích như đặt đồ ăn, giao hàng trực tuyến qua Loship hoặc shopping trong VnShop ngay trên ứng dụng.
Ngoài ra, khi Apple Pay ra mắt chính thức tại thị trường Việt Nam, khách hàng có thể thêm thẻ để trải nghiệm dịch vụ thông qua ứng dụng của các ngân hàng có hỗ trợ, trong đó có Sacombank. Trải nghiệm thanh toán với Apple Pay trở nên đơn giản hơn khi chủ thẻ không cần mang theo tiền mặt, không cần chạm vào các thiết bị chấp nhận thanh toán và đưa thẻ vật lý cho người khác.
VIỆT NAM: TRUNG TÂM FINTECH ĐÔNG NAM Á
Mới đây, nhà cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số Silverlake Axis đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với việc hợp tác chiến lược với KMS Solutions (KMS). Theo đó, KMS đảm nhận vai trò là đối tác giúp Silverlake Axis tiếp cận thị trường, tập trung chủ yếu vào phân phối hai sản phẩm chính là Mobius và Symmetri. Trong đó, Mobius là nền tảng ngân hàng đầu cuối bao gồm nhiều thành phần ngân hàng lõi; Symmetri là bộ giải pháp được thiết kế để cung cấp cho các ngân hàng bán lẻ, bao gồm loạt các phần mềm ngân hàng toàn diện.
Ngoài KMS, Amazon Web Services (AWS) cũng sẽ hỗ trợ mở rộng hoạt động của Silverlake Axis, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam. Silverlake Axis cam kết hỗ trợ các đơn vị BFSI (ngân hàng, dịch vụ tài chính, bảo hiểm) tại Việt Nam.
Bà Cassandra Goh, Phó giám đốc điều hành Silverlake Axis cho biết: Chính phủ Việt Nam đã có động thái tích cực sự hỗ trợ cho sự phát triển thanh toán số thông qua việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đây là một sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình số hóa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và hoạt động sản xuất. Người dân ngày càng ưu tiên trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số liền mạch đã thúc đẩy sự phát triển của BSFI.
Vào năm 2022, lĩnh vực fintech của Việt Nam đã dẫn đầu trong công cuộc huy động vốn khởi nghiệp, chiếm 38% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ toàn quốc với tổng giá trị 244 triệu USD.
“Xu hướng này làm nổi bật sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trên con đường trở thành trung tâm fintech tiếp theo của Đông Nam Á. Và Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với Silverlake Axis, được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào chiến lược tăng trưởng và mở rộng của Silverlake Axis trên trường quốc tế”, bà Cassandra Goh khẳng định.