Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đánh giá cao những giải pháp về đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng, ưu tiên chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và việc tháo gỡ những vướng mắc xuất nhập khẩu, giúp cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhờ đó, ước thực hiện tổng thu ngân sách năm 2023 cơ bản đạt dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu một số tồn tại, bất cập trong thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Theo đó, chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm.
“Năm 2023 có 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững. Về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách”.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng đang có hướng tăng và tiếp cận với mức trần.
Bởi vậy, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về thu, chi ngân sách.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thu, chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước và bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách.
Trăn trở về thu ngân sách, Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thuế giá trị gia tăng.
Theo đại biểu, mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình quản lý thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu… Do đó đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất. Cùng với đó, bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả…
Đề cập về sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nhiều biện pháp còn mang tính tình thế, ứng phó mà chưa phải là biện pháp căn cơ, bền vững, vì vậy, khi tình hình dịch bệnh đã qua, cần phải thay đổi cho phù hợp.
Cùng chung ý kiến về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho biết thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Đồng tình cao với đánh giá và kiến nghị trong báo cáo của giám sát chuyên đề trên, đại biểu cho rằng, báo cáo giám sát đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết. Bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng.
“Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Hà nhấn mạnh.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đại biểu cho rằng, thời gian qua, vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà ngân sách trung ương được hưởng, liên tục đà suy giảm và đến nay, chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương.