Đại biểu Trịnh Minh Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, cho biết trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Do đó, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Tổng Kiểm toán giải thích vấn đề này và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
CUNG CẤP TRÊN 1.600 HỒ SƠ, ĐƯA RA ÁNH SÁNG NHIỀU VỤ THAM NHŨNG
Chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước, đại biểu Hà Đức Minh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, cho biết qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư…
“Trong trường hợp khi Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong trường hợp này sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?”, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết những sai phạm tập trung nhiều nhất ở khâu nào, các khuyến nghị cụ thể đối với các chủ dự án để hạn chế xảy ra những sai phạm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.
“Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi thì phải xử, tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính”, ông Tuấn nêu rõ.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, về sai phạm ở đâu, kiến nghị thế nào, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết thông thường để tiến hành kiểm toán các dự án đầu tư có sử dụng vốn tài chính công, Kiểm toán nhà nước tuân thủ các luật pháp liên quan từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức triển khai.
Theo đó, ở khâu chuẩn bị dự án, Kiểm toán nhà nước sẽ đánh giá việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế dự án theo quy hoạch, chủ trương, chiến lược hay không, tiêu chuẩn định mức có đúng, phù hợp không, bố trí vốn kế hoạch có đúng không.
“Với mỗi dự án có sai phạm khác nhau, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra kiến nghị, có kiến nghị xử lý tài chính vì không có trong thanh toán, các khoản chi không phù hợp và đề nghị kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan; đồng thời cũng kiến nghị sửa đổi pháp luật có liên quan”.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Cùng với đó, xem xét việc lựa chọn nhà thầu, quy trình, thủ tục đấu thầu, kí kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu so với hồ sơ thầu đã kêu gọi hay không, có sai phạm gì, triển khai thực hiện, ứng vốn, thu hồi vốn, kiểm soát tiến độ, thanh quyết toán… Kiểm toán nhà nước rà soát tất cả các nội dung này.
Ông Tuấn cũng cho biết trong 5 năm qua (từ 2019-2023), Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra.
Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.
PHỐI HỢP 2 HỆ THỐNG KIỂM TOÁN, LÀNH MẠNH HOÁ TÀI CHÍNH QUỐC GIA
Cũng tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá chất vấn về vụ việc của ngân hàng SCB xảy ra trong thời gian vừa qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Đại biểu Mai Văn Hải cho biết nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB song không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này. Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của ngân hàng SCB vừa qua.
Trả lời vấn đề đại biểu Mai Văn Hải nêu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ vụ việc SCB không thuộc phạm vi của kiểm toán nhà nước. Theo quy định SCB thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, trách nhiệm thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết hiện có 2 hệ thống kiểm toán.
Thứ nhất, Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm toán do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Kiểm toán nhà nước với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, tiền của nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.
Thứ hai, hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập, tức là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp.
Tổ chức cung cấp này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam.
Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê.
Kiểm toán độc lập sẽ phối hợp với Kiểm toán nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng, trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, bảo đảm các thông tin luôn trung thực và hợp lý, nhằm làm minh bạch và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Năm 2024, Bộ đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 – 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra đúng theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán như: công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý…
Trong 5 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng; gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng. Trong đó, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Báo cáo Tổng kiểm toán nhà nước.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-trach-nhiem-cua-kiem-toan-nha-nuoc-khi-de-lot-sai-pham.htm