Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ bất ngờ giảm lần đầu tiên trong hơn 4 năm trở lại đây, tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm bắt đầu việc giảm lãi suất.
Số liệu thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/7 cho thấy CPI – thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế – tháng 6 của nước này giảm 0,1% so với tháng 5. Đây là lần đầu tiên CPI của Mỹ giảm trên cơ sở tháng kể từ tháng 5/2020.
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3%, mức tăng thấp nhất trong hơn 3 năm. Trước đó trong tháng 5, CPI đi ngang so với tháng 4 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
CPI lõi – thuớc đo không bao gồm hai nhóm hàng hóa có mức độ biến động lớn về giá cả là thực phẩm và năng lượng – tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mức tăng này thấp hơn so với dự báo tăng tương ứng 0,2% và 3,4% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước khi báo cáo được công bố. Mức tăng theo cơ sở năm của CPI lõi là thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Việc giá xăng bán lẻ ở Mỹ giảm 3,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái là một nhân tố quan trọng khiến CPI giảm tốc, bù lại mức tăng 0,2% của nhóm thực phẩm và nhà ở. Cho tới nay, lạm phát dai dẳng ở nhóm nhà ở – với tỷ trọng khoảng 1/3 trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI Mỹ – là một trong những yếu tố chính khiến lạm phát ở nước này giảm chậm. Bởi vậy, giá cả của nhóm này tăng chậm lại là một dấu hiệu tích cực khác về lạm phát ở Mỹ.
Trao đổi với hãng tin CNBC, Giám đốc Chris Larkin của công ty E-Trade cho rằng báo cáo lạm phát tháng 6 đồng nghĩa “Fed tiến một bước gần hơn tới cắt giảm lãi suất vào tháng 9”. “Từ nay tới cuộc họp ngày 18/9 của Fed có thể có nhiều điều xảy đến, nhưng trừ phi các số liệu kinh tế quay trở lại trạng thái nóng, Fed sẽ chẳng còn lý do gì để không cắt giảm lãi suất”, ông Larkin nói.
Ngoài giá năng lượng giảm và mức tăng khiếm tốn ở nhóm nhà ở, việc giá ô tô đã qua sử dụng giảm 1,5% trong tháng 6 và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái cũng là một nguyên nhân quan trọng kéo lạm phát giảm. Giá ô tô đã qua sử dụng từng tăng mạnh, giữ vai trò là một động lực chính đẩy lạm phát leo thang kể từ năm 2021.
Lạm phát dịu đi đồng nghĩa tiền lương thực bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng trước, dù chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái – theo một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ.
Dù lạm phát ở Mỹ chưa đạt mục tiêu 2% của Fed, báo cáo CPI tháng 6 là một bằng chứng nữa cho thấy xu hướng giá cả ở nước này đang đi đúng hướng.
Mức tăng CPI hãng năm của Mỹ lập đỉnh hơn 4 thập kỷ ở mức hơn 9% vào tháng 6/2022, khiến Fed phản ứng bằng 11 đợt tăng lãi suất liên tiếp trong thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023. Sau đợt tăng cuối cùng, Fed duy trì lãi suất ở mức 5,25-5,5% cho dù lạm phát giảm nhanh.
Sau khi báo cáo CPI tháng 6 được công bố, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng hơn 93% Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, từ mức 70% của ngày hôm trước – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Các số liệu lạm phát mới nhất khiến chúng tôi tin chắc Fed giảm lãi suất vào tháng 9. Mức tăng ít nhất của CPI lõi kể từ năm 2021 chắc chắn mang lại cho Fed sự tin tưởng rằng các số liệu CPI nóng của quý 1 năm nay chỉ là tạm thời, đồng thời Fed sẽ có động lực để giảm lãi suất nhiều hơn 1 lần trong năm nay”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của công ty Principle Asset Management nhận định.
Trong cuộc họp tháng 6, Fed dự báo chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm 2024, thị trường giờ đây tin rằng sau đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, Fed sẽ giảm lãi suất thêm ít nhất một lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay. Trong đó, khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 12 là 40% – theo FedWatch Tool.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cpi-my-bat-ngo-giam-cua-ha-lai-suat-cua-fed-rong-mo.htm