Chính phủ vừa có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022 gửi Quốc hội. Trong báo cáo này, tình hình “sức khỏe” của 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, trong đó có 676 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trở lên được mô tả khá chi tiết.
DOANH THU, LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Theo báo cáo, năm 2022, nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới, xung đột Nga – Ukraina, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước bị đe dọa…, Chính phủ cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đạt được những điểm sáng.
Theo đó, về cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn.
Đáng chú ý, riêng 478 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Quy mô tài sản bình quân của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 4.700 tỷ đồng/doanh nghiệp, lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 23%, tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Cũng tại báo cáo này, Chính phủ nêu bật tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 676 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, chỉ tiêu về tổng doanh thu và lãi phát sinh trước thuế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất, lần lượt tăng 29% và 24% so với cùng kỳ.
Cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng doanh thu đạt 2.643.545 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021.
Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, Công ty mẹ – con là 2.458.816 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021, chiếm 93% tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước.
Còn lãi phát sinh trước thuế đạt 241.165 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, Công ty mẹ – con là 221.671 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, chiếm 92% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, “có 64/676 (chiếm 9% tổng số doanh nghiệp nhà nước) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 144/676 (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp nhà nước) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỷ đồng”.
(Báo cáo của Chính phủ).
Ngược lại, một số “ông lớn” nhà nước vẫn triền miên ngập trong thua lỗ có thể kể đến như công ty mẹ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Theo báo cáo tài chính tự lập, cả năm 2022, Công ty mẹ lỗ 8.634 tỷ đồng, dù giảm 27% so với lỗ của 2021 nhưng lỗ luỹ kế đã ăn mòn vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt tổng tài sản. Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán cho kỳ kế toán năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.
Năm 2022, EVN lỗ gần 1 tỷ USD, lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỷ đồng trong khi năm 2021 đạt lợi nhuận trên 14.725 tỷ đồng, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%. Riêng số tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nợ phải trả tăng 4% so với 2021, trên 1,43 triệu tỷ đồng và chiếm 51% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này.
Theo đánh giá của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất mà doanh nghiệp nhà nước tham gia.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước có vai trò lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV)…
Đối với lĩnh vực viễn thông: Viettel, VNPT và Mobifone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp nhà nước xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ vận tải (Vietnam Airlines), cảng biển và logistic (Saigonnewport), cao su…
NHIỀU DỰ ÁN THẤT BẠI, LỖ TRIỀN MIÊN NHIỀU NĂM
Nhiều hạn chế trong đầu tư, kinh doanh khối doanh nghiệp nhà nước cũng được Chính phủ chỉ ra.
Cụ thể, một số chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng tới nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, như công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như: sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất, công nghệ nguồn…
“Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường…; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả”.
(Báo cáo của Chính phủ).
Cùng với đó, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế khi tỷ trọng đóng góp hiện nay của doanh nghiệp nhà nước vào GDP đang là khoảng 29%.
Hiện tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP khoảng 29%.
Việc ít các dự án đầu tư mới (nguồn động lực tăng thêm) trong thời gian qua, sẽ khiến đóng góp của khu vực này với nền kinh tế trong 5 năm tới “rất hạn chế”.
Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc; việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để kéo dài tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa;… dẫn tới tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu kế hoạch cầu đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn.
Nguyên nhân theo Chính phủ là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.
Bên cạnh đó, nguyên nhân từ nội tại doanh nghiệp nhà nước do doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường; chưa quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát với thực tế.
Về giải pháp, Chính phủ cho biết sẽ sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 nhằm hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng bộ với quá trình và nội dung sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp của doanh nghiệp nhà nước. Rà soát, đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các công ty con, công ty liên kết để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nâng cao hiệu quản sản xuất kinh doanh.
Các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính cần được giải quyết dứt điểm, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, hàng hóa dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường. Căn cứ kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động…