Theo một nghiên cứu mới công bố của Đại học Nhân dân Trung Quốc, việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới đã tăng đáng kể trong năm ngoái nhờ vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ số Quốc tế hóa Nhân dân tệ – theo dõi việc sử dụng đồng nội tệ của Trung Quốc trên toàn cầu – năm 2023 ghi nhận mức tăng 22,9% so với năm trước đó.
Theo chỉ số này, điểm số quốc tế hóa bình quân của nhân dân tệ đạt 6,27 điểm trong năm 2023, trong khi hai tiền tệ được sử dụng nhiều nhất thế giới là USD và euro lần lượt đạt 51,52 điểm và 25,03 điểm. Điểm số tăng cho thấy mức độ quốc tế hóa của đồng tiền tăng lên. Tuy nhiên, nghiên cứu không nêu rõ điểm số tối đa là bao nhiêu.
Với điểm số trên, vị trí của nhân dân tệ trong chỉ số đã vượt qua bảng Anh và yên Nhật – hai đồng tiền có điểm số lần lượt là 3,76 và 4,4 điểm.
“Khi chất lượng hệ thống tài chính của một quốc gia tăng lên khi quốc gia đó phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu, nền tảng cho việc sử dụng tiền tệ của quốc gia đó sẽ càng được củng cố”, báo cáo của Đại học Nhân dân Trung Quốc chỉ ra. “Quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ so với các tiền tệ lớn khác trên thế giới, kể cả khi hoạt động thương mại của Trung Quốc với các nước khác chịu áp lực do môi trường bên ngoài nhiều thách thức”.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thời gian qua, Bắc Kinh cố gắng đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới trong bối cảnh Trung Quốc muốn ngăn chặn rủi ro và tăng cường sự tự chủ trong dòng chảy vốn xuyên biên giới.
Chỉ số Quốc tế hóa Nhân dân tệ được các nhà nghiên cứu của Đại học Nhân dân Trung Quốc lập ra vào năm 2012. Dữ liệu so sánh trong chỉ số này gồm việc sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại, giao dịch tài chính và sử dụng như một đồng tiền dự trữ tại các quốc gia khác. Những dữ liệu này quyết định mức độ quốc tế hóa của đồng tiền.
Theo giáo sư Tu Xinquan, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, nỗ lực không ngừng của Bắc Kinh nhằm tối ưu hóa các giao dịch thanh toán thương mại xuyên biên giới sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ.
“Các nền tảng giao dịch tài chính do nhiều tỉnh thành của Trung Quốc lập ra đã giúp thu hút nhiều tổ chức tài chính, giúp cải thiện hiệu suất thanh toán cũng như xuất hóa đơn của doanh nghiệp, đồng thời mở rộng các kênh đầu tư và gọi vốn và thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”, ông Tu cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo của Đại học Nhân dân Trung Quốc cảnh báo rằng, dù có sự cải thiện, nhưng việc quốc tế hóa nhân dân tệ đối mặt nhiều thách thức phía trước, từ nền kinh tế trong nước giảm tốc tăng trưởng, rủi do địa chính trị dai đẳng, mức lợi nhuận tương đối thấp của các tài sản bằng nhân dân tệ, cho tới tỷ giá tương đối yếu của nhân dân tệ so với USD.
“Chúng ta nên sử dụng chuỗi khối (blockchain) và công nghệ dữ liệu lớn để bình ổn và bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi những rủi ro”, báo cáo khuyến nghị. “Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho các đối tác trong Hệ thống Thanh toán Xuyên biên giới Trung Quốc (China’s Cross-Border Interbank Payment System – CIPS), đồng thời hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động thương mại nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/chi-so-quoc-te-hoa-cua-dong-nhan-dan-te-tang-manh.htm