Tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024 (lần thứ 2) do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và CIEM đồng tổ chức, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đã chia sẻ về cơ hội tiếp cận tài chính để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực Asean về giao dịch điện tử, chỉ sau Indonesia, quốc gia có dân số đông gấp 3 lần Việt Nam.
Theo khảo sát của HSBC, 47% doanh nghiệp tại Việt Nam muốn chuyển đổi số trong những năm tới và 40% muốn chuyển đổi bền vững theo các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
“Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam mới chỉ chi 1% GDP cho hoạt động chuyển đổi số. Trong khi đó, chi phí chuyển đổi số trung bình của doanh nghiệp là 27,5 triệu USD. Ước tính, Việt Nam cần 270 tỷ USD để nền kinh tế chuyển đổi số (bao gồm cả khu vực công và doanh nghiệp)”, ông Tim Evans cho biết.
Cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng vào năm 2050 (Net Zero) tại Cop26.
“Kích cỡ và tần suất các cơn bão đã tăng 500 lần, tốc độ gió của các cơn bão cũng như lượng mưa tăng 11% so với 20 năm trước. Ước tính cho đến nay có khoảng 3,5 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu”, ông Tim Evans nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi xanh.
Theo HSBC, ước tính chi phí chuyển đổi sang Net Zero toàn cầu là 3,5 nghìn tỷ USD/năm. Riêng Việt Nam cần 400 tỷ USD đến 2040 để đưa phát thải ròng về 0. Trong đó, 2 lĩnh vực có tiềm năng lớn ở Việt Nam là điện gió và điện mặt trời.
Những nỗ lực nhằm đạt được phát thải khí nhà kính ròng bằng không có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể.
Báo cáo chủ đề Triển vọng Phát triển Châu Á: Châu Á trong công cuộc chuyển dịch toàn cầu sang phát thải ròng bằng 0 do ADB công bố cuối tháng 9/2024 cho biết lợi ích của việc chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu có thể gấp 5 lần chi phí.
Theo các chuyên gia quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải nhanh chóng thay thế than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác bằng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn các “bể chứa các-bon”, chẳng hạn như rừng.
Các chuyên gia khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: định giá các-bon và cải cách trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và sử dụng đất, các quy định và cơ chế khuyến khích huy động tài chính và thúc đẩy năng lượng sạch hơn, và bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc làm để bảo đảm công bằng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ceo-hsbc-viet-nam-can-670-ty-usd-de-chuyen-doi-so-va-xanh.htm