Theo đánh giá của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% và kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn chỉ đạt 178,94 tỷ USD.
KIM NGẠCH NHIỀU NHÓM HÀNG GIẢM MẠNH, PHÁ ĐÁY THỜI ĐẠI DỊCH
Dẫn đầu nhóm hàng nhập khẩu giảm mạnh là ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giảm tới 10,6%, tương ứng giảm 4,99 tỷ USD và chỉ đạt 42,08 tỷ USD tính đến giữa tháng 7.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), đơn hàng hiện suy giảm mạnh do người dân các quốc gia thắt chặt chi tiêu và thói quen tiêu dùng thay đổi rõ rệt sau đại dịch hướng tới những sản phẩm xanh, hữu dụng và ít thay đổi mẫu mã. Điều này khiến hiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp điện tử khá mỏng và doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực thu đủ bù chi để đảm bảo lực lượng sản xuất, chờ đón nền kinh tế khởi sắc hơn.
Với ngành hàng thủy sản, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm vừa qua chứng kiến sự bứt phá lớn bởi nhu cầu thị trường tăng cao, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản chạm mốc kỷ lục 11 tỷ USD. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 4/2022, tốc độ sụt giảm rất nhanh khi lạm phát lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Đến cuối tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, tức giảm sâu hơn giai đoạn đỉnh của Covid-19 chỉ xoay quanh 26%.
Dự báo của VASEP trước đó cho rằng hết quý 2 tình hình sẽ cải thiện hơn, thế nhưng, theo lãnh đạo Hiệp hội, tiên lượng này sai lệch và có lẽ đến cuối năm mới kỳ vọng hồi phục. Dù vậy, theo dõi số liệu hàng tuần cho thấy giai đoạn khó khăn nhất dường như đã qua, thị trường thoát đáy từ tháng 4 và tháng 5, 6 đang có nhiều dấu hiệu tích cực dù lũy kế vẫn âm sâu.
Kim ngạch thương mại hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh gây áp lực không nhỏ đến công tác thu ngân sách nhà nước do ngành hải quan quản lý. Tính đến cuối tháng 7, số thu ngân sách nhà nước toàn ngành đạt 211.230 tỷ đồng, mới đạt 49,7% dự toán, giảm 19,6%, tương đương giảm 51.423 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng tháng 7, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14.700 tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 27.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, bằng 87,6% mức thu bình quân 6 tháng đầu năm.
TỔNG GIÁ TRỊ XUẤT NHẬP KHẨU CHỊU THUẾ GIẢM TRÊN 20%
Đánh giá nguyên nhân giảm thu, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, do tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 7 tháng giảm 20,5%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 68,6 tỷ USD, giảm 20,2% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 3,9 tỷ USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh so với cùng kỳ có thể kể đến như: nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất (gồm than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép và phế liệu, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ôtô…) chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, đã giảm 25,7% so với cùng kỳ, làm giảm thu ngân sách khoảng 29.400 tỷ đồng.
Nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 4,9 triệu tấn, trị giá đạt 3,9 tỷ USD, tăng 15,7% về lượng nhưng giảm 13,1% về trị giá, làm giảm thu 2.650 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy 10 cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn, chiếm 87% dự toán thu của toàn ngành là: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, đến ngày 31/7/2023 thu đạt 187.462 tỷ đồng, bằng 50,34% dự toán được giao, giảm 15,95% so với cùng kỳ.
Hiện chỉ duy nhất Cục Hải quan Quảng Ninh có chỉ số thu ngân sách nhà nước tăng 7,05%, còn lại 9 đơn vị đều thể hiện số thu ngân sách nhà nước giảm mạnh. Chẳng hạn, Cục Hải quan Đồng Nai giảm 30,75%; Cục Hải quan Bình Dương giảm 27,9%; Cục Hải quan Hà Tĩnh giảm 26,73%; Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 25,18%; Cục Hải quan Bắc Ninh giảm 17,06%; Cục Hải quan Hà Nội giảm 15,46%…
Nguyên nhân giảm thu tại 9 đơn vị này là do kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất như than, sản phẩm hóa chất, chất dẻo giảm từ 20-50% so với cùng kỳ năm 2022…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2023 phát hành ngày 21-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam