Giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật, loại hình giao dịch từng được các quỹ phòng hộ (hedge fund) trên thế giới ưa chuộng trong thời gian dài trước khi bất ngờ thoái trào cách đây 2 tuần, đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Đồng yên hiện đã giảm giá khoảng 5% so với đồng USD kể từ hôm 5/8 – thời điểm mà động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và mối lo suy thoái kinh tế Mỹ đẩy đồng yên tăng vọt lên mức cao nhất 7 tháng, từ mức thấp nhất gần 4 thập kỷ trước đó.
Đồng yên bất ngờ tăng mạnh đã khiến các nhà giao dịch carry-trade ồ ạt tháo chạy. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi yên Nhật quay đầu giảm giá, hoạt động carry-trade lại bắt đầu có dấu hiệu tăng lên.
Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết đã có nhiều nhà đầu tư quay trở lại vay đồng yên để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn tại các thị trường khác. Nomura gợi ý khách hàng doanh nghiệp và các quỹ phòng hộ – vốn là các nhà giao dịch carry-trade hăng hái nhất – trở lại với hoạt động này.
“Đã có một sự quay lại đáng kể” với carry-trade sau khi số liệu doanh thu bán lẻ của Mỹ tốt hơn dự báo, ông Antoy Foster – trưởng bộ phận giao dịch tiền tệ giao ngay nhóm G10 tại Nomura ở London – nói với hãng tin Bloomberg. Nhiều tài khoản đã bán yên để mua vào đồng Đôla Australia và đồng bảng Anh, theo ông Foster.
Tuần vừa rồi, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi báo cáo bán lẻ tháng 7 của Mỹ khiến thị trường giảm bớt một số kỳ vọng liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay. Dù vẫn đặt cược 100% Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, thị trường giảm đặt cược khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới xuống dưới mức 30%, và thay vào đó đặt cược hơn 70% vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm.
Lợi suất cao hơn tại các thị trường ngoài Nhật Bản sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của việc vay đồng yên từ Nhật rồi đầu tư vào tài sản ở các thị trường khác.
Việc các quỹ quay trở lại với carry-trade yên Nhật một lần nữa phản ánh sức hấp dẫn của hoạt động này ngay cả sau khi tỷ giá đồng yên đã biến động chóng mặt trong những tuần gần đây.
Công ty môi giới ngoại hối trực tuyến ATFX Global Markets chứng kiến lượng bán khống đồng yên của khách hàng tăng 30-40% trong 1 tuần trở lại đây, phần lớn là đặt cược của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư giàu có.
“Mọi người có ký ức khá ngắn. Có quá nhiều nhà giao dịch theo đà trong lĩnh vực này”, nhà quản lý danh mục William Vaughan của công ty Brandywinde Global Investment Management nhận định về carry-trade và các nhà đầu tư theo đuổi loại hình giao dịch này.
Nếu BOJ hoãn động thái tăng lãi suất tiếp theo, sức hấp dẫn của carry-trade sẽ tăng lên.
Tuần này, các nhà giao dịch có thể biết rõ hơn về triển vọng của carry-trade, khi Thống đốc BOJ Kazuo Uede có bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản dự kiến vào ngày 23/8. Cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming. Nhiều khả năng, trong bài phát biểu này, ông Powell sẽ đẩy lùi kỳ vọng còn sót lại trên thị trường rằng Fed sẽ giảm lãi suất nửa điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
Nếu ông Ueda đưa ra quan điểm mềm mỏng và ông Powell cứng rắn, điều đó đồng nghĩa chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ giữ ở mức cao, khuyến khích nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào carry-trade.
Một trong các nhà đầu tư đang bán khống yên ở thời điểm này là Calvin Yeoh, nhà quản lý quỹ Merlion Fund tại công ty Blue Edge Advisors ở Singapore. Ông Yeoh cho biết quỹ của ông đã bán yên để mua bảng Anh từ đầu tuần trước. “Chúng tôi sẽ thử nâng mức bán khống đồng yên về bằng với thời điểm trước cuộc họp của BOJ nếu xu hướng cho phép và mức độ biến động của tỷ giá tiếp tục giảm về vùng cũ”, ông Yeoh nói.
Chiến lược gia Mary Nicola của Markets Live nhận định: “Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang dịch chuyển theo chiều hướng nới lỏng, ngoại trừ BOJ vẫn giữ lãi suất tương đối thấp so với các ngân hàng trung ương khác. Điều này có nghĩa là carry-trade sẽ hồi phục, miễn sao thị trường cổ phiếu và tỷ giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc giữ ổn định”.
Tỷ giá yên hiện đã giảm về ngưỡng khoảng 148 yên đổi 1 USD sau khi đạt mức 141,7 yên đổi 1 USD vào hôm 5/8. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn thận trọng về việc bán khống yên, xét tới việc tỷ giá yên bất ngờ tăng chóng mặt vào đầu tháng này. “Vị thế bán khống khổng lồ đồng yên đã bị cuốn phăng, nhưng thị trường hiện tại vẫn còn rất mong manh”, nhà giao dịch Foster của Nomura nhấn mạnh.
Sự mong manh này được thể hiện rõ qua dữ liệu mới nhất của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy các nhà đầu cơ đã giảm mạnh đặt cược vào sự mất giá của đồng yên trong tuần kết thúc vào ngày 6/8. Ngay cả khi phát biểu của ông Ueda và ông Powell trong tuần này mở đường cho việc nhà đầu tư vay yên để mua USD, điều đó cũng không có nghĩa là các nhà đầu cơ sẽ đổ xô làm như vậy.
Sau khi giảm bớt vị thế đặt cược vào sự tăng giá của yên, công ty M&G Investment Management nhận định rằng đồng yên đang được định giá thấp hơn giá trị thực nhưng có thể sẽ duy trì trạng thái này thêm một thời gian nữa. Đồng yên “đang thực sự rẻ nhưng chúng tôi không ngốc đến mức cho rằng đồng tiền này sẽ sớm quay trở lại với giá trị thực của nó”, nhà đầu tư Jim Leaviss của M&G phát biểu.
Đối với trưởng phân tích Nick Twidale của công ty ATFX, đã có bằng chứng cho thấy nhà đầu tư đang quay trở lại bán khống yên như một phần trong chiến lược mua các tài sản có lợi suất cao hơn. “Giao dịch carry-trade vẫn rất hợp lý”, ông Twidale phát biểu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cac-quy-phong-ho-ron-ren-quay-lai-voi-carry-trade-yen-nhat.htm