Phát biểu hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, nói giới chức Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát sự tăng giá – cùng quan điểm mà một số đồng nghiệp của ông đã đưa ra trong thời gian gần đây. Ông gợi ý Fed nên duy trì sự cứng rắn, mặc những bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, một người mới gia nhập hàng ngũ các quan chức có quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ tại Fed trong năm nay, lại kêu gọi “thận trọng và kiên nhẫn” trong việc đánh giá ảnh hưởng kinh tế của các điều kiện tài chính thắt chặt gây ra bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Với gợi ý này, ông Goolsbee trở thành quan chức Fed đầu tiên cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể cần phải dừng tăng lãi suất ngay từ bây giờ – theo hãng tin Bloomberg.
“Xét tới những bấp bênh đến từ những cơn gió nghịch trong hệ thống tài chính, tôi cho rằng chúng ta nên thận trọng. Chúng ta cần thu thập thêm dữ liệu và cẩn trọng để tránh tăng lãi suất quá mạnh, cho tới khi biết chắc những cơn gió ngược này sẽ làm giúp được chúng ta bao nhiêu phần việc kéo lạm phát xuống”, ông Goolsbee phát biểu tại một sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế Chicago tổ chức.
Phát biểu trước đó trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang Yahoo! Finance, ông Williams nhắc lại dự báo bình quân mà các quan chức Fed đưa ra hồi tháng 3 là tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, tiếp đó là tạm dừng. Ông nói đó là “điểm khởi đầu hợp lý”, nhưng đường đi tiếp theo sẽ tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế trong thời gian tới.
“Chúng ta nên làm việc cần làm để đảm bảo kéo lạm phát xuống”, ông Williams nói. Lạm phát ở Mỹ thực ra đã giảm khỏi mức đỉnh thiết lập vào mùa hè năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng trước, đưa lãi suất tham chiếu lên mức 4,75-5%, từ mức gần 0% một năm trước đó.
Dự báo bình quân mà Fed đưa ra trong cuộc họp tháng 3 cho thấy 18 quan chức thuộc Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – bộ phận ra quyết sách trong Fed – dự kiến lãi suất sẽ đạt 5,1% vào cuối năm. Các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 2-3/5, nhưng sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay – điều mà các quan chức Fed đến thời điểm này chưa dự đoán.
Ông Williams cho biết kỳ vọng của thị trường về suy thoái cũng như lạm phát đang giảm mạnh hơn so với những gì hầu hết các quan chức Fed dự đoán. “Chúng tôi đang thấy có những dấu hiệu của giảm lạm phát, nhưng lạm phát vẫn còn cao. Một phần lạm phát lõi ở mảng dịch vụ, không bao gồm nhóm nhà ở, vẫn chưa giảm. Bởi vậy, chúng tôi vẫn còn việc phải làm để đưa lạm phát về 2%”, ông nói.
Ba vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ liên tiếp vào tháng trước đã làm tăng thêm sự bấp bêh đối với triển vọng kinh tế Mỹ năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các quan chức Fed vẫn tiếp tục nhấn mạnh cam kết giảm lạm phát.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, người cũng có quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay, tháng trước nói rằng mặc dù sẽ mất một thời gian để thấy được toàn bộ tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhưng Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để khống chế lạm phát.
Phát biểu ngày thứ Ba, dù không bình luận trực tiếp về triển vọng của chính sách tiền tệ, ông Kashkari có ý nói rằng tình trạng căng thẳng ngân hàng tồi tệ nhất đã qua. “Tôi chưa sẵn sàng để tuyên bố rõ ràng, nhưng có những dấu hiệu đầy hy vọng cho thấy những rủi ro này hiện đã được hiểu rõ hơn và sự bình tĩnh đang được lập lại”, ông Kashkari nói trong một sự kiện.
Ông James Bullard, một đồng nghiệp của ông Kashkari ở Fed St. Louis, nhận định rằng các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính đang có hiệu quả và Fed vì thế nên tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát cao. Với quan điểm tương tự, Chủ tich Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần tăng lãi suất “cao hơn một chút” và sau đó giữ chúng ở đó một thời gian. Tuy nhiên, cả bà Mester và ông Bullard đều không bỏ phiếu trong các quyết định chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay.
Trái lại, ông Goolsbee nhận định dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động “mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên” vào cuối năm 2022 và đầu năm nay, nhưng tác động dây chuyền của cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể giúp ích cho Fed trong chiến dịch hạ nhiệt nền kinh tế. “Chúng tôi đã thắt chặt các điều kiện tài chính để giảm lạm phát, vì vậy nếu các vấn đề ngân hàng gần đây dẫn đến thắt chặt thêm các điều kiện tài chính, thì chính sách tiền tệ sẽ có ít việc phải làm ít hơn”, ông nói.
Dù vậy, cũng theo ông Goolsbee, Fed vẫn nên ưu tiên sứ mệnh của mình là giảm áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
Dữ liệu gần đây cho thấy các ngân hàng đang cắt giảm hoạt động cho vay sau cuộc khủng hoảng hồi tháng 3 – sự kiện khiến thị trường quay cuồng và khiến các cơ quan quản lý liên bang phải can thiệp để ngăn chặn đổ vỡ dây chuyền. Theo một cuộc khảo sát, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cho biết họ gặp khó khăn hơn trong việc vay vốn vào tháng 3. Và các khoản cho vay của ngân hàng Mỹ đã giảm nhiều nhất trong hai tuần cuối tháng 3 – theo dữ liệu được Fed công bố vào tuần trước.
Trong khi đó, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 236.000 việc làm trong tháng 3, gần bằng với mức dự báo 238.000 công việc mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% từ mức 3,6% trước đó. Các dữ liệu này được xem là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định bất chấp triển vọng kinh tế trở nên bấp bênh hơn.
Các dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm, sẽ cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về tình trạng của nền kinh tế.
Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker, người cũng bỏ phiếu về chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay, nhắc lại rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất lên trên 5% và sau đó duy trì trong một khoảng thời gian.
“Nếu lạm phát không giảm rõ rệt, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ phải hành động nhiều hơn,” ông nói trong một sự kiện vào ngày thứ Ba. “Nhưng tại thời điểm này, tôi không hiểu tại sao chúng ta cứ phải tăng lãi suất rất nhanh để rồi sau đó phải giảm nhanh. Hãy cứ giữ ở đó có phải tốt hơn không”.