Tại hội thảo “Chính sách thuế đối với hoạt động khoa học – công nghệ” do Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) vừa tổ chức, giới chuyên gia cho rằng các chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực khoa học công nghệ đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực này. Dù vậy, trong thực tế, còn nhiều quy định bất cập.
LUÔN CÓ VAT ĐẦU VÀO KHÔNG KHẤU TRỪ HẾT NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC HOÀN THUẾ
PGS. TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) nêu thực trạng: “Theo pháp luật hiện hành, VAT có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Trong đó, dịch vụ khoa học công nghệ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% khi cung ứng trong nước. Còn khi xuất khẩu thì áp dụng thuế suất 0%, được hoàn thuế giá trị gia tăng khi đủ điều kiện”.
Tuy nhiên, theo ông Trường, đã có sự bất hợp lý trong quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), dẫn đến triệt tiêu tác dụng của quy định về đối tượng được áp dụng thuế suất 5%.
Cụ thể, cơ sở kinh doanh nộp VAT (theo phương pháp khấu trừ) có luỹ kế số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết từ 4 quý trở lên không được hoàn thuế giá trị gia tăng, mà chuyển khấu trừ sang kỳ tiếp theo.
“Các tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học – công nghệ áp dụng thuế suất 5%, trong khi hàng hoá, dịch vụ mua vào hầu hết là 10%. Điều này dẫn đến cơ sở kinh doanh dịch vụ khoa học – công nghệ luôn có VAT đầu vào không khấu trừ hết, nhưng không được hoàn thuế. Vì thế, cơ sở kinh doanh bị ứ đọng vốn”
PGS. TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính.
Theo vị chuyên gia, vô hình trung, việc áp dụng thuế suất 5% chẳng những không tạo được lợi thế cho cơ sở cung cấp dịch vụ khoa học – công nghệ, mà còn tạo ra bất lợi cho họ.
Thực tế, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có đặc thù rất khác với doanh nghiệp kinh doanh thương mại ở độ chuyên môn hoá về sản phẩm cao. Do đó, đa phần các trường hợp chỉ sản xuất hàng hoá hoặc kinh doanh dịch vụ chịu thuế 5% mà không sản xuất, kinh doanh đồng thời cả hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 10% để có thể bù trừ cho nhau.
Do đó, chuyên gia đến từ Học viện Tài chính đề nghị cần bổ sung vào diện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ khoa học công nghệ (nộp thuế theo phương pháp khấu trừ).
Cũng góp ý liên quan đến ưu đãi VAT, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng để nhận được các ưu đãi thuế, người nộp thuế phải tự kê khai, xác định nghĩa vụ thuế, ưu đãi; phải xác định đúng mã số HS của hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được… Tuy nhiên, hàng hóa rất đa dạng, người nhập khẩu không dễ thực hiện các thủ tục xác nhận.
“Không ít người cho rằng sau khi trải qua các công đoạn thủ tục, chi phí thực tế bỏ ra còn vượt quá số tiền thuế được ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu”, ông Phụng nêu và đặt câu hỏi: “Liệu các luật có nên tiếp tục duy trì các quy định ưu đãi này?”.
Còn theo PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), các đơn vị sự nghiệp có phát sinh các dịch vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thì các dịch vụ này sẽ chịu thuế với suất thuế giá trị gia tăng là 5%; tuy nhiên, dịch vụ chuyển giao công nghệ lại thuộc đối tượng không chịu VAT.
“Mảng dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học đứng “đầu tàu” và “khắc khổ” hơn lại phải chịu thuế. Trong khi việc chuyển giao công nghệ chỉ là khâu sau thì không chịu thuế”, ông Thanh nói và đề nghị nên quy định điều tiết VAT thống nhất để đảm bảo tính logic về điều tiết thuế, tránh thiếu công bằng.
LO NGẠI TRỤC LỢI CHÍNH SÁCH MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU CÁC MẶT HÀNG KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ
Song song với đề nghị giải quyết các vướng mắc trong chính sách ưu đãi thuế, các chuyên gia cũng lo ngại việc lợi dụng chính sách.
GS-TS Đoàn Xuân Tiên, Phó chủ tịch VAA, cho biết nhiều mặt hàng khoa học – công nghệ được miễn thuế khi nhập khẩu vào Việt Nam, ví dụ như máy móc, vật tư, thiết bị (loại trong nước chưa sản xuất được) phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
“Trong thực tiễn, họ nói nhập máy này về để nghiên cứu, nên phải được miễn thuế, nhưng thực tế họ đem về có thực sự để nghiên cứu hay không? Khâu hậu kiểm của chúng ta làm không tốt. Điều này dẫn đến tâm lý của cán bộ thuế phải chặt chẽ, trong khi các doanh nghiệp nhiều khi cũng lắm chiêu”, ông Tiên nói.
“Trường hợp đúng là chuyển giao công nghệ, các bên cần làm rõ phần giá trị công nghệ được miễn VAT, nhưng phải chịu thuế nhà thầu nước ngoài phần giá trị thiết bị máy móc phải chịu VAT khâu nhập khẩu. Ngược lại, nếu không tách riêng được thì toàn bộ trị giá hợp đồng sẽ phải trả cả VAT khâu nhập khẩu và thuế nhà thầu trên tổng số tiền thanh toán”.
TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất từ nước ngoài sẽ phải nộp VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần giá trị dịch vụ đi kèm với thiết bị máy móc (ví dụ vận chuyển đến địa điểm trong lãnh thổ Việt Nam, lắp đặt, chạy thử, đào tạo…). Trong trường hợp không tách riêng được phần giá trị dịch vụ thì thuế nhà thầu sẽ tính trên tổng giá trị hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng các trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cần phải cẩn trọng ở cả 2 phía là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Điều này nhằm tránh cả 2 khả năng hoặc là lạm thu gây ra khiếu kiện, hoặc là lợi dụng chính sách để trốn tránh thuế.
“Nếu đúng là chuyển giao công nghệ thì hơn ai hết, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ phải xác định rõ có phải đúng là chuyển giao công nghệ hay là dịch vụ trá hình để hưởng việc miễn thuế không đúng quy định. Trường hợp đúng là chuyển giao công nghệ, các bên cần làm rõ phần giá trị công nghệ được miễn VAT, nhưng phải chịu thuế nhà thầu nước ngoài phần giá trị thiết bị máy móc phải chịu VAT khâu nhập khẩu. Ngược lại, nếu không tách riêng được thì toàn bộ trị giá hợp đồng sẽ phải trả cả VAT khâu nhập khẩu và thuế nhà thầu trên tổng số tiền thanh toán”, ông Phụng nêu.