Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (7/10) trong xu thế giảm nhẹ. Thị trường kim loại quý đang có biểu hiện chững lại trong bối cảnh đồng USD vững giá, nhưng một số chuyên gia cho rằng xu hướng giá lên sẽ duy trì.
Tuần này, các số liệu kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục chi phối diễn biến tỷ giá đồng USD và giá vàng, thông qua tác động tới triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.648,4 USD/oz, giảm 5,9 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại thị trường New York, tương đương giảm 0,22% – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 79,9 triệu đồng/lượng. Báo giá USD tại Vietcombank vào thời điểm trên là 24.640 đồng (mua vào) và 25.030 đồng (bán ra).
Giá vàng đã giằng co trong tuần vừa rồi giữa những yếu tố tác động trái chiều. Trong khi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông kích thích nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro, xu thế tăng của đồng USD và việc giới đầu cơ giảm mạnh đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 đã gây áp lực mất giá lên vàng.
Đồng USD sáng nay giảm giá nhẹ, sau khi tăng hơn 2% trong tuần vừa rồi. Chỉ số Dollar Index lúc gần 10h theo giờ Việt Nam giảm 0,06% so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, giao dịch ở mức 102,46 điểm – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
“Báo cáo việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ đã dập tắt hy vọng về mức giảm lãi suất nửa điểm phần trăm trong cuộc họp tới của Fed”, biên tập viên Brien Lundin của trang Gold Newsletter nói về sức ép giảm giá đối với vàng ở thời điểm hiện tại. Biến động này của kỳ vọng lãi suất đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD tăng, qua đó khiến vàng giảm giá theo quy luật thường thấy.
Tuy nhiên, ông Lundin cho rằng việc giá vàng chững lại như vậy chỉ là tạm thời, và có thể là bước đệm cho một đợt tăng mới. Ông nhấn mạnh rằng kể từ khi lập kỷ lục mọi thời đại vào hôm 26/9 tới nay, giá vàng đã có những thời điểm giảm nhẹ hoặc chững, nhưng không giảm sâu.
“Lùi lại một chút để nhìn vào bức tranh lớn hơn. Có thể thấy rằng sự suy yếu này của giá vàng có vẻ chỉ là một trong một chuỗi những đợt dừng mà thị trường đã trải qua trong xu hướng thị trường giá lên bắt đầu từ cuối tháng 2. Trong mỗi lần chững lại như vậy, giá vàng giảm hoặc giằng co trong 1-2 tuần trước khi bước vào một đợt tăng mới lên một phạm vi giá cao hơn”, ông Lundin nói với MarketWatch.
Theo vị chuyên gia này, nợ của Chính phủ liên bang Mỹ và số tiền lãi trả cho khoản nợ đó tiếp tục tăng mạnh sẽ buộc Fed phải giảm lãi suất sâu hơn ngay cả khi các số liệu kinh tế Mỹ vẫn tích cực.
Tuần này, số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất được công bố là hai báo cáo lạm phát gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), lần lượt được công bố vào ngày thứ Năm và thứ Sáu. Nếu các thống kê này yếu hơn dự báo, khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 có thể tăng lên, và giá vàng sẽ hưởng lợi. Ngược lại, số liệu lạm phát nóng hơn kỳ vọng có thể gây bất lợi cho giá vàng.
Trao đổi với trang Kitco News, Giám đốc phân tích thị trường Lukman Otunuga của Kitco Metals, cho rằng giá vàng có thể sẽ giằng co giữa một bên là sự vững vàng của kinh tế Mỹ và bất ổn địa chính trị ở Trung Đông.
“Xét trên phương diện kỹ thuật, giá vàng vẫn đang mắc kẹt trong một phạm vi trên biểu đồ hàng ngày, với mức hỗ trợ là 2.630 USD/oz và mức kháng cự là 2.675 USD/oz. Một cú đột phá có thể sắp xảy ra, với các sự kiện trong tuần tới đóng vai trò là chất xúc tác tiềm năng. Những chất xúc tác này bao gồm căng thẳng địa chính trị, dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, gồm chỉ số CPI, phát biểu của các quan chức Fed”, ông Otunuga nói.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bao-cao-lam-phat-my-co-the-gay-bien-dong-gia-vang-tuan-nay.htm