Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 1/8 đã có lần hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 4 năm sau cuộc biểu quyết sát nút tại Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) – cơ quan quyết định lãi suất ngắn hạn của BOE.
Theo tờ Financial Times, với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Ủy ban này quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 5%. Động thái này được xem một cú huých cho cam kết hồi sinh tăng trưởng kinh tế của đảng Lao động cầm quyền.
Quyết định hạ lãi suất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Anh đã giảm về mức mục tiêu 2% của BOE vào tháng 5 và duy trì ở mức này trong tháng 6, dù lạm phát dịch vụ vẫn cao dai dẳng.
Thông báo về quyết định, thống đốc Andrew Bailey của BOE nhấn mạnh rằng động thái này sẽ không mở màn cho một loạt chu kỳ hạ lãi suất nhanh chóng.
“Áp lực lạm phát đã được giải tỏa ở mức đủ để chúng tôi có thể hạ lãi suất ngày hôm nay”, ông Bailey, một trong những quan chức BOE bỏ phiếu ủng hộ việc hạ lãi suất. “Nhưng chúng tôi cũng cần đảm bảo rằng lạm phát sẽ dùy trì ở mức thấp và thận trọng để không hạ lãi suất quá nhanh hoặc quá mạnh”.
Giới đầu tư hiện kỳ vọng rằng từ nay tới cuối năm, BOE sẽ thực hiện thêm 1 hoặc 2 lần giảm lãi suất.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 2 năm – một thước đo kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư – đã giảm 0,12 điểm phần trăm xuống còn 3,69%. Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Giá đồng bảng Anh cũng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần với 1,1272 bảng Anh đổi một USD, giảm 0,6% so với ngày 31/7.
Theo các nhà phân tích, quyết định hạ lãi suất của BOE là một động lực quan trọng cho Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves trong bối cảnh bà đang thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế và giải quyết quyết vấn đề mà đảng Lao động gọi là “lỗ hổng trị giá 22 tỷ bảng” trong bảng cân đối tài chính công.
Bà Reeves có phản ứng thận trọng với quyết định của BOE ngày 1/8.
“Dù việc giảm lãi suất hôm nay là đáng hoan nghênh, nhưng hàng triệu gia đình Anh vẫn đang đối mặt với mức lãi suất vay thế chấp mua nhà cao sau gói ngân sách ngắn hạn (mini-budget)”, bà Reeves nói, đề cập tới gói chính sách do Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng – người đã bị sa thải – đưa ra năm 2022 dưới thời Thủ tướng Liz Truss.
“Đó là lý do chính phủ đang phải đưa ra các quyết định khó khăn để ổn định lại các yếu tố nền tảng của nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng thấp, để chúng ta có thể xây dựng lại nước Anh, đưa mọi miền đất nước trở nên thịnh vượng hơn”, nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Anh nhấn mạnh.
Theo ông Ruth Gregory, phó kinh tế trưởng tại Anh của Capital Economics, MPC dường như đang muốn tìm kiếm thêm bằng chứng rằng áp lực lãi suất đã giảm thực sự trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất thêm nữa.
Còn ông James Smith, nhà kinh tế tại ING, nhận xét “BOE đang rất thận trọng để thị trường từ bỏ kỳ vọng rằng lần hạ lãi suất này là khởi đầu cho một chu kỳ giảm lãi suất nhanh”.
Quyết định của BOE là tín hiệu mới nhất cho thấy các ngân hàng trung ương trên thế giới đang ngày càng tin tưởng rằng lạm phát dai dẳng sau đại dịch Covid-19 đã hạ nhiệt. Vào đầu mùa hè, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới hạ lãi suất.
Ngày 31/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát tín hiệu rằng cơ quan này có thể hạ lãi suất cho vay sớm nhất vào tháng 9 tới.
BOE ngày 1/8 dự báo lạm phát toàn phần tại Anh sẽ tăng từ 2% lên 2,7% trong năm nay, trước khi giảm dần. Cơ quan này cũng dự báo lạm phát giá tiêu dùng sẽ giảm xuống còn 1,7% vào năm 2026 và tiếp tục giảm còn 1,5% vào năm 2027. BOE nâng dự báo tăng trưởng GDP của Anh năm nay lên 1,25%, từ mức dự báo chỉ 0,5% trước đó.
Tuy vậy, quyết định hạ lãi suất ngày 1/8 cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Anh. Nằm trong số những quan chức BOE không ủng hộ quyết định này là nhà kinh tế trưởng Huw Pill của BOE. Ông Pill cảnh báo rằng áp lực lạm phát vẫn rất lớn và dai dẳng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/anh-ha-lai-suat-lan-dau-tien-sau-hon-4-nam.htm