Tôi đã rất hào hứng với những trải nghiệm dễ chịu về các phương thức thanh toán vé cho hệ thống giao công cộng tại ba thành phố lớn của nước Mỹ trong một chuyến đi gần đây.
New York chỉ cần chạm thẻ tín dụng, Washington DC – mua thẻ SmartTrip rồi nạp tiền, và Los Angeles – mua thẻ Tap rồi nạp tiền.
Khi hay tin Metro Hà Nội sẽ thanh toán vé qua VNeID, thẻ Ngân hàng, tôi dễ dàng hình dung ra sự giản tiện mà người dân sẽ được hưởng khi giải pháp này được triển khai thành công.
Một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, xuyên suốt, kết nối các địa điểm bởi nhiều loại hình phương tiện là thứ thường gặp ở đô thị lớn của các quốc gia phát triển. Ở Việt Nam, nền tảng giao thông công cộng đang từng bước được hình thành với các tuyến Metro đã và đang được triển khai tại các đô thị lớn hai đầu đất nước.
Thứ tiện ích mà chúng ta sắp có được trong giao thông công cộng tại Hà Nội hay tiến tới là các phương thức thanh toán chung (bên cạnh tiền mặt) đều dùng được cho Metro Hà Nội, bus Đà Nẵng hay Metro TP HCM là điều tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ dàng.
Trước năm 1933, hệ thống giao thông công cộng ở London là một mớ hỗn độn và rời rạc. Các công ty cạnh tranh vận hành những phần khác nhau của tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện/xe buýt điện. Mỗi bên có cách điều phối riêng, lịch trình không đồng bộ, khiến hành khách phải mua vé riêng cho từng chặng.
Một chuyến đi xuyên qua London thường đòi hỏi phải mua nhiều vé, ra khỏi trạm rồi vào lại để mua vé mới, và phải làm quen với các quy định khác nhau tùy theo tuyến. Gánh nặng điều phối được đẩy hết cho hành khách. Không có sự liên kết nào, và người dân phải trả giá bằng cả thời gian lẫn tiền bạc.
Mô hình phân mảnh này gây ra rất nhiều lãng phí.
Sự phân mảnh – dù ở lĩnh vực nào – đều dẫn đến lãng phí và phiền toái. Ngoài giao thông công cộng, tình trạng phân mảnh – lãng phí này cũng tồn tại trong hệ thống y tế nước Anh lúc bấy giờ, chỉ cần nhìn vào “con đường” làm việc hàng ngày của bác sĩ. Họ phải chuyển qua nhiều hệ thống khác nhau để tổng hợp thông tin bệnh nhân: một nơi ghi chú lâm sàng, nơi khác để đọc toa thuốc, và lại một hệ thống khác nữa (thường là máy tính khác) để kiểm tra kho thuốc và cấp phát thuốc. Các công cụ đều có, nhưng chúng không “nói chuyện” với nhau – phần lớn vì lợi ích (sự cố gắng kiểm soát) thương mại khác nhau – khiến quá trình chậm trễ, gây phiền toái, thậm chí ảnh hưởng đến an toàn người bệnh.
Giải pháp khi đó là sự can thiệp của chính phủ thông qua luật pháp.
Quốc hội Anh đã thông qua Đạo luật thành lập Ban Giao thông Hành khách London (London Passenger Transport Act – LPTA), tạo ra một cơ quan giao thông thống nhất kết hợp tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện. Hệ thống vận hành được đơn giản hóa và lần đầu tiên hành khách có thể di chuyển khắp London chỉ với một vé và một lịch trình duy nhất.
Từ chỗ rời rạc, hệ thống trở nên thống nhất, giao thông công cộng được thiết kế lại, tập trung vào trải nghiệm của hành khách.
Chuyển sang bối cảnh gần một thế kỷ sau, hệ thống y tế Mỹ vẫn gặp vấn đề tương tự – “nhiều vé và nhiều lịch trình”. Hồ sơ bệnh nhân bị khóa trong nền tảng của các nhà cung cấp khác nhau. Dữ liệu bị chia cắt giữa các chuyên khoa và cơ sở, khiến nhân viên y tế phải xoay xở giữa các hệ thống không được kết nối với nhau.
Lần nữa, cần có sự can thiệp của chính phủ. Đạo luật 21st Century Cures được ký thành luật vào tháng 12/2016 nhằm: Giúp tiếp cận hồ sơ bệnh nhân dễ dàng hơn; Cải thiện khả năng kết nối giữa các hệ thống y tế (thông qua các tiêu chuẩn API mở như HL7 FHIR); Thúc đẩy việc phát triển và phê duyệt các phương pháp điều trị mới; Trao quyền cho bệnh nhân bằng cách giúp họ tiếp cận thông tin sức khỏe của mình.
Cốt lõi của đạo luật Cures là bảo đảm thông tin đúng đến đúng nơi, đúng thời điểm và đến đúng người. Giống như đạo luật LPTA, đây là một thay đổi hệ thống nhằm giảm phiền toái và tập trung vào người dùng cuối – lần này là bác sĩ và một phần là bệnh nhân.
Hai đạo luật cách nhau gần 100 năm, thuộc hai ngành khác nhau và hai châu lục khác nhau, nhưng chung một nhận định: sự tích hợp cần được luật hóa. Ta không thể chỉ trông chờ vào các công ty tư nhân, vốn có thể đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích cộng đồng hay mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ như NHS tại Anh). Dù Mỹ đã chi hàng tỷ USD thông qua đạo luật HITECH năm 2009 để thúc đẩy áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR), nhưng sự kết nối thật sự giữa các hệ thống vẫn chưa thành hiện thực.
Trong lĩnh vực Y tế tại Anh, chưa có đạo luật tương đương HITECH hay Cures như tại Mỹ. Các sáng kiến như Kế hoạch dài hạn của cơ quan quản lý dịch vụ y tế quốc gia (National Health Service – NHS) hay khung kết nối dữ liệu y tế từ đơn vị Y tế số quốc gia Anh (NHSX) đã được tiến triển, nhưng lại thiếu yếu tố pháp lý ràng buộc. Không có chế tài nếu dữ liệu bị “giam giữ”, không có tiêu chuẩn trao đổi (Application Programming Interface – API) bắt buộc, và không có quyền truy cập dữ liệu theo thời gian thực được pháp luật bảo vệ. Sự tích hợp được khuyến khích, nhưng không bắt buộc. Và khi không có ràng buộc pháp lý, tiến độ rất chậm và không đồng đều – đặc biệt đối với các đơn vị nhỏ hay những người đổi mới đang cố gắng vượt qua hệ thống cũ kỹ.
Sự tích hợp không phải là kẻ thù của đổi mới. Nó là cách để mở rộng đổi mới. Thiếu sự tích hợp, hệ thống bị trì trệ. Con người bị bỏ lại phía sau. An toàn bị đe dọa. Niềm tin bị xói mòn.
Nhưng khi có sự tích hợp? Hành trình sẽ liền mạch, thông suốt và nhanh chóng – dù là di chuyển trong thành phố, hay chạy đua với tử thần giữa các giường bệnh.
Khi chúng ta tiếp tục xây dựng tương lai số cho ngành giao thông công cộng hay y tế, bài học từ hệ thống tàu điện ngầm vẫn còn nguyên giá trị: “Bạn có thể có những công cụ hiện đại nhất thế giới. Nhưng nếu chúng không hoạt động cùng nhau, tất cả đều thất bại”.
Trần Hồng Quang
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ve-metro-va-ho-so-benh-vien-4889392.html