Quê tôi đã và đang có rất nhiều người bị ung thư.
Chỉ là một xã bán sơn địa, chưa đầy bốn nghìn nhân khẩu theo thống kê năm 2024, nhưng hiện trạng người trong xã phát hiện bị ung thư, mất vì ung thư xảy ra thường xuyên. Gia đình tôi đã có hai người thân vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh chưa có thuốc chữa ấy: Bà nội tôi ba thập kỷ trước; cậu tôi vừa mất chưa được 49 ngày.
Rất nhiều lần tôi tự hỏi, vì sao một vùng quê thanh bình, xa xôi, tách biệt, chưa hề xuất hiện ống khói nhà máy; người dân gần như chỉ sử dụng thực phẩm tự cung tự cấp; vì sao những con người gần như đứng ngoài vòng xoay áp lực của cuộc sống hiện đại, lại bị ung thư nhiều đến vậy.
Nhưng quê tôi không phải trường hợp hiếm hoi. Một nghiên cứu khoa học của các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ năm 2017 cho biết, số lượng người nhập viện liên quan đến bệnh ung thư gia tăng mỗi năm. Từ năm 2014 đến 2016, trong 11.000 bệnh nhân, có hơn 9.000 người mắc bệnh ung thư, chiếm tỷ lệ nhiều nhất chính là nông dân.
Khái niệm “làng ung thư” với cảm quan chung của người dân về những nơi có quá nhiều người tử vong vì căn bệnh này, hoặc có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn mặt bằng chung, đã tồn tại trong dân gian từ lâu. Năm 2015, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố một danh sách “làng ung thư” với 37 địa danh. Trong đó, 10 ngôi làng bị ô nhiễm nguồn nước nặng. Công bố này gây ra nhiều tranh cãi sau đó, khi Bộ Y tế tiến hành khảo sát và khẳng định: chưa thấy bất thường ở các làng ung thư, cũng như chất lượng nguồn nước tại 10 làng được khảo sát kia.
Nhưng các manh mối này sẽ dẫn đến một nghi phạm: thuốc bảo vệ thực vật.
Hàng ba bốn, thập kỷ trước, khi còn là một thiếu niên rồi trở thành lao động chính trong gia đình, tôi đã chứng kiến và kinh hãi với tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên quê mình.
Người quê tôi sống thuần bằng trồng trọt. Họ trồng đủ loại từ lúa đến hoa màu, như lạc, đậu, ngô, khoai, sắn; hoặc cây ăn trái như cam, chanh, bưởi, hồng, nhãn rồi như rau, chè. Tất cả đều được “tắm” thuốc bảo vệ thực vật.
Vào mùa đậu, khi cây bắt đầu ra hoa, kết trái là lúc sâu ăn lá xuất hiện. Để trừ diệt loại sâu này, người quê tôi phun thuốc trừ sâu trực tiếp vào ngọn cây. Phương pháp là dùng bình phun thuốc thủ công – bình treo sau lưng, có cần bơm và vòi phun. Để tăng hiệu quả diệt sâu, chúng tôi chọn lúc trời nắng to, vì lúc đó thuốc trừ sâu phản ứng với sức nắng nóng của mặt trời, sẽ thêm nồng, sâu càng dễ chết. Thuốc phun đến đâu, sâu to bằng ngón tay cái rớt xuống đất đến đó.
Những lần đi phun, người tôi ướt sũng vì nước trong bình chảy ra. Tôi đằm mình như vậy hàng tiếng đồng hồ, phun hết bình này đến bình khác. Không khẩu trang, không một dụng cụ bảo hộ.
Kết thúc công việc, tôi xuống hồ nước gần nhất, hoặc về con sông quê đổ nước thuốc trừ sâu còn dư, sục rửa bình. Rất nhiều lần sau khi xong việc, tôi nằm dài bên bờ ruộng vì mệt lả, chóng mặt và đầu đau như búa bổ. Sau này tôi mới hiểu, bởi vì chúng tôi hít thuốc trừ sâu trực tiếp với liều lượng cao lâu quá. Còn nước sông, nước hồ những nơi sục bình phun thuốc, có một lớp váng dày đặc nổi lên, là thuốc còn sót lại.
Thói quen, tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như vậy vẫn duy trì đến nay, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, do điều kiện kinh tế khá hơn, công cụ phun thuận tiện hơn. Ngoài việc bảo vệ mùa màng, người quê lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật như một cách để đỡ sức lao động. Một đám cỏ hoang mọc ở gốc vườn, thay vì dùng cuốc xới mất thời gian, họ phun thuốc diệt cỏ, vài ngày sau cỏ tự cháy. Một ít cây dại leo trên hàng rào, họ không dùng dao cắt đi, mà phun thuốc diệt cỏ, dù cho hàng rào kế bên giếng nước. Thuốc bảo vệ thực vật ban đầu chỉ ở ngoài đồng, giờ len vào đến vườn, giếng nước, gác bếp. Vào những dịp phun thuốc theo chu kỳ canh tác, đâu đâu cũng nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ, trừ sâu.
Cứ thế, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào lòng đất, vào nguồn nước trong bối cảnh: người quê tôi chưa có nước máy. Trước đây, họ còn ăn nước sông, mới chỉ dùng nước giếng đào vài ba thập niên trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, với 84,2% ở thành thị và 34,8% ở nông thôn.
Từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu và tiêu thụ 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình, mỗi người Việt sử dụng 1,1 kg thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm. Hiện Việt Nam có hơn 4.000 loại thuốc được phép sử dụng, trong khi các nước thường cấp phép cho 400-700 loại (ví dụ Trung Quốc 630, Thái Lan và Malaysia 400-600).
Việc phun thuốc của người dân diễn ra tràn lan, không có sự kiểm soát chặt chẽ. Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng khẳng định có đến 50-60% nông dân trồng lúa sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức đề nghị.
Để hạn chế tình trạng này, theo tôi cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ.
Một là chính quyền tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị kiến thức cho người nông dân hiểu rõ cách sử dụng và tác dụng phụ nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật.
Hai là giới hạn lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ sử dụng những loại thật thiết yếu, được kiểm duyệt. Loại bỏ những loại thuốc quá độc hại với con người và môi trường. Về lâu dài, công nghệ sinh học và công nghệ cao – mô hình không hoặc sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật như một số nơi đang thực hiện cần được nhân rộng. Nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thúc đẩy ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với nhiều lợi ích: bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, an toàn cho người sử dụng; không để lại tồn dư trong nông sản, bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.
Ba là cần có giải pháp hiệu quả để giám sát việc thực hiện chế tài với những vi phạm trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều 26 Nghị định 31/2016 quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, việc kiểm tra vi phạm trên thực tế đang bị buông lỏng, vì thiếu các giải pháp giám sát khả thi.
Không áp dụng kịp thời các giải pháp, người nông dân vẫn sẽ tự hại chính mình và đồng bào mỗi ngày.
Đặng Quỳnh Giang
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ung-thu-o-lang-que-4845684.html