Sáng nay, một tin nhắn kèm mấy tấm ảnh gửi đến cho tôi: chị Hạnh ơi, hôm qua đã xuất hết sầu vườn nhà tôi rồi đây chị. Tôi tặc lưỡi, mình hẹn nhau sáng ngày mốt lên vườn anh xem cắt sầu, sao anh đã cắt sớm vậy?
Sáng mốt, một đoàn doanh nông trẻ sẽ đi thăm vườn ông Quới ở Tây Ninh. Ông nói, chúng tôi vẫn đợi mọi người đến thăm vườn nha chị.
Tôi nhớ cảm giác đầu tiên khi bắt tay chào ông – bác sĩ nông dân niềm nở đón khách đến thăm vườn sầu trên đỉnh Madagui mấy tuần trước, bằng bàn tay chai sần khô khốc của một nhà nông chính hiệu.
Ông Quới bỏ nghề bác sĩ y khoa đúng 10 năm trước để chuyên tâm về với đất vườn, cây trái. Khi đó, sầu riêng chưa thành loại trái cây thời sự về xuất khẩu như bây giờ. Trong 10 năm đó, ông đã làm chủ và đồng sở hữu tới 53 vườn, với Ri6 là giống chủ lực.
Ông nói Ri6 có lượng tinh bột cao, mịn mà ngọt thanh và có độ béo nhất định, hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhiều nước.
Thử nghiệm nhiều hình thức canh tác, ông Quới chọn phương thức hữu cơ vi sinh để chắc chắn đảm bảo kết quả phải là sự “ngon” và “lành” trong từng trái sầu riêng. “Ngon” nghĩa là có thể đánh thức năm giác quan khi cắn từng thớ thịt sầu riêng. Còn “lành” là tốt cho sức khỏe. Trong cơm sầu riêng có chất chống oxy hóa, giúp cho trẻ hóa tế bào, ông Quới lý giải.
Sau mấy lần thất bại, nhiều năm ròng rã xách túi đi học từ các bậc thầy nhiều kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu, các nhà vườn sành sỏi để hiểu sâu, tự mình thực nghiệm, ông bắt đầu đạt hiệu quả cao nhất trong phương pháp canh tác kể từ năm 2018.
“Tất cả sản phẩm phân bón của tôi nghiên cứu phát triển đều là chất chống oxy hóa, giúp trẻ hóa đất, trẻ hóa tế bào thực vật. Sầu riêng của tôi có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt”, ông chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Quới cũng sử dụng hệ vi sinh vật để chuyển hóa những loại bùn hữu cơ trong đất, chứ không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ hóa chất.
Nông nghiệp vẫn luôn là ngành có nhiều rủi ro. Thảm họa lớn nhất là đại dịch Covid-19. Suốt thời gian đó, không thể vận hành được quá trình sản xuất lẫn kinh doanh, ông đẩy hoạt động phòng lab tại nhà lên cao, tự phát triển các loại phân bón cho vườn, dành thời gian chăm sóc đất và cải thiện quy trình canh tác, chuẩn bị sản xuất những sản phẩm chất lượng từ quy trình ổn định nhất.
Hôm sau tôi đi thăm một vườn sầu khác ở xã Hà Lâm của anh Binh, nông dân địa phương gần đó – khu vườn được ông Quới làm cố vấn chuyên môn. Đi theo, nghe ông Quới giải thích quy trình trồng, tôi vừa ghi âm, vừa chép tay vẫn thấy mọi chỉ dẫn sao mà quá chi li và phức tạp với chín thứ cần biết và thực nghiệm: từ chọn giống đến làm đất, tưới nước, trồng cỏ, chăm cây, chăm lá, hoa, trái và phục hồi cho cây vào thời khắc quan trọng để đảm bảo cung cấp trái ngon cho đời…
Theo số liệu thống kê mới nhất, xuất khẩu sầu riêng trong tháng 5 đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước và 34% cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, mặt hàng này xuất khẩu đạt 919 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực.
Ngoài Thái Lan và Việt Nam, gần đây, sầu riêng Malaysia cũng đã được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Giới kinh doanh nói vui rằng cuộc cạnh tranh “tam quốc” sẽ căng và chỉ có ngày càng tăng.
Trái sầu của Việt Nam ngon lành, bổ dưỡng – là điều đã được công nhận bởi những thị trường lớn và khó tính trên thế giới. Nhưng thức quả này của Thái Lan và Malaysia cũng không hề kém cạnh. Trong khi đó, có một vấn đề luôn khiến các nhà quản lý nông nghiệp Việt Nam lo ngay ngáy, là chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm. Vậy chìa khóa vàng của Việt Nam nên là gì?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói phải loại bỏ dịch hại như ruồi đục trái và các loài rệp sáp; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép…
Bên cạnh giám sát chặt kỷ luật tuân thủ đúng mã số vùng trồng cũng như dư lượng hóa chất, chính phương pháp sản xuất sạch, đảm bảo “ngon” và “lành” cho từng trái sầu riêng mới là cách căn cơ để giữ sức cạnh tranh bền vững.
Không ai khác, người nông dân làm nên thương hiệu cho trái sầu.
Theo dõi các giải pháp cải thiện chỉ số cạnh tranh qua R&D của sầu riêng Thái Lan, chúng tôi hiểu thêm rằng, nông dân nước nào kiên định con đường nông nghiệp sạch với quy trình sản xuất xanh nghiêm ngặt, nông sản của quốc gia đó sẽ giành lợi thế lâu dài và bền vững trên thị trường xuất khẩu.
Vũ Kim Hạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trai-sau-ngon-va-lanh-4765422.html