Một tờ báo lớn của châu Á, mà giới kinh doanh và tài chính thường theo dõi, liên hệ để hỏi xem liệu tôi có thể viết một bài bình luận ngắn về chuyện hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo một hãng hàng không ở Việt Nam.
Họ muốn biết chuyện gì đang xảy ra và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh như thế nào. Họ nói thẳng luôn là thông tin “đi kèm nhiều tin đồn” nên độc giả của họ rất quan tâm.
Vì không thể kiểm chứng, tôi đành trả lời là tôi không có tư liệu gì để viết, ngoài thông tin trên truyền thông là “doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”. Tình trạng này hiện nay theo tôi quan sát là khá phổ biến. Chính việc “cứ nợ thuế thì bị tạm xuất cảnh” đang dần trở thành “bình thường mới” lại là điều đáng lo ngại.
Trong các đại án gần đây, một số doanh nhân cũng bị tạm hoãn xuất cảnh. Câu chuyện của họ hoàn toàn khác. Nhưng khi chưa biết điều gì đằng sau, thì cứ thấy một doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh – dù được giải thích “vì lý do liên quan tới thuế” – người ta cũng sẽ nghi ngờ và đồn đoán đủ thứ.
Người dân, không biết điều gì đằng sau một quyết định, khó tránh khỏi suy đoán. Người nước ngoài cũng vậy. Bỗng nhiên một doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh, họ sẽ đặt câu hỏi “điều gì đang xảy ra?”, “phải chăng có gì đó với ngành kinh doanh này và đây chỉ là bước đầu”?
Khi những thông tin như vậy lan truyền, người ta sẽ lo ngại, không dám mạnh tay đầu tư. Điều đó ảnh hưởng xấu đến triển vọng thu hút đầu tư, cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến chính doanh nghiệp có người bị cấm xuất cảnh, và đến môi trường kinh doanh nói chung.
Khi đại diện doanh nghiệp bị “nêu tên làm gương” như vậy, các đối tác của doanh nghiệp có đặt câu hỏi như tờ báo nước ngoài tôi nói đến hay không? Đại diện doanh nghiệp không được xuất cảnh thì bạn hàng nước ngoài, trong nước còn dám tin tưởng không? Họ đang nợ thuế, mà khó khăn như vậy thì làm sao trả nợ. Họ không trả được tiền thuế, kinh doanh khó khăn thì họ cũng không trả được nợ chậm cho nhà cung ứng, tiền khách hàng ứng trước, không trả được nợ ngân hàng. Cuối cùng là không đáp ứng được hoạt động kinh doanh nữa. Cả nền kinh tế thua thiệt.
Hệ lụy đó liệu các cơ quan công quyền đã tính đến hay chưa?
Kinh tế toàn cầu và Việt Nam vừa gượng dậy từ giai đoạn khó khăn của Covid-19. Đằng sau các doanh nghiệp là rất nhiều khoản nợ được “khoanh” trong ngân hàng (mà ngân hàng cũng đang xin cơ chế để tiếp tục hoãn việc phân loại nhiều khoản nợ thành nợ xấu).
Chương trình hỗ trợ Covid ở các nước hết hiệu lực, người ta đang thấy bộc lộ dần những khó khăn của doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Suy thoái kinh tế vẫn là một rủi ro dù đã giảm đáng kể. Tốc độ tăng trưởng của hai đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo tiếp tục giảm trong năm tới, nếu hai nước này không có những động thái đáng kể hỗ trợ nền kinh tế, trong khi một số nền kinh tế lớn ở châu Âu đang chật vật.
Khi các thị trường tiêu thụ lớn chật vật, một nước dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ cần sự tháo vát, nhanh nhạy và nỗ lực của các doanh nhân, xoay xở tìm đường ra để giữ việc làm cho mấy chục triệu lao động cả nước.
Câu chuyện bão Yagi cho thấy đóng góp của những doanh nghiệp, doanh nhân như vậy cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào lúc khó khăn. Trong khi chính họ cũng có thể đang và sẽ bị ảnh hưởng xấu do những tác động kinh tế sau cơn bão.
Ngày 6/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả. Nhưng chỉ sau đó không lâu, câu chuyện “hoãn xuất cảnh vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế” dường như đi ngược tinh thần đó.
Vẫn biết có một cách suy nghĩ đơn giản quá mức là “không nộp thuế thì cấm xuất cảnh là đúng rồi”. Nhưng đó có lẽ là suy nghĩ của những ai ít phải vật lộn với công cuộc kinh doanh mỗi ngày để giữ lại việc làm cho hàng trăm, hàng nghìn lao động.
Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn của kinh tế toàn cầu và trong nước, chúng ta mới thấy trở ngại mà cách nghĩ đơn giản đó tạo ra. Và tính sâu xa, như tôi nói ở trên, khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, thì cả nhà nước, lao động và toàn nền kinh tế đều thiệt. Các đối tác nước ngoài sẽ nhìn doanh nghiệp trong nước với con mắt dè chừng “liệu tôi làm ăn với ông này rồi năm sau ổng có bị rắc rối với pháp luật không?”
Vì vậy, cần đặt lại những thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bắt đầu giảm tốc dần để thông cảm hơn với họ, và phải coi đó là thách thức với toàn bộ nền kinh tế. Về mặt thị trường bên ngoài, với tư cách là một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với một thế giới rất mong manh: tăng trưởng kinh tế của các thị trường tiêu dùng hàng Việt Nam đang chậm lại, người dân nước họ gặp sức ép thắt lưng buộc bụng giảm chi tiêu, trong khi bất ổn địa chính trị và khả năng thay đổi chính sách nhanh chóng đang gia tăng.
Ở trong nước, khu vực kinh tế tư nhân đang đứng trước nguy cơ bị chèn lấn ngay trên sân nhà bởi làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ đang lan ra toàn cầu vì họ dư thừa công suất (một tình trạng mà các báo ở châu Âu đang coi là “vấn đề toàn cầu”). Trong bối cảnh như vậy, thứ doanh nhân cần không chỉ là lời cổ vũ suông, mà là những hỗ trợ thiết thực từ chính sách. Nếu chưa hỗ trợ được thì cần giảm bớt những gáo nước lạnh từ thanh tra, kiểm tra, hạn chế xuất cảnh không cần thiết làm nguội đi tinh thần doanh nhân.
Cách đây vài tuần, tôi đọc được bài “Chi một đồng cũng báo cáo” trên mục Góc nhìn về câu chuyện chi tiêu trong khu vực công. Chốt bài có câu “Thiết kế luật pháp vì thế cần được xem xét lại: nếu quá thiên về đề phòng vi phạm, sẽ tạo ra sự cản trở, tự lấy đá ghè chân mình, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển”. Nay thì dường như vấn đề gần giống như vậy cũng đang diễn ra ở chuyện kiểm soát khu vực tư.
Đừng để rồi không ai dám làm gì, dù ở khu vực công hay tư.
Hồ Quốc Tuấn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/no-thue-va-hoan-xuat-canh-4794407.html