Trong lần kiểm tra đột xuất một công ty ở huyện Nhà Bè năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM phát hiện hơn 230 thùng thực phẩm chức năng, gồm 8.000 hộp nhỏ dạng cốm, được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đang đóng gói, chuẩn bị bán ra thị trường.
Chúng tôi yêu cầu kiểm tra, họ không xuất trình được giấy chứng nhận GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Vì vậy, số lô hàng khoảng 3 tấn này bị lập hồ sơ xử phạt. Mức phạt nằm trong khoảng 80 đến 90 triệu đồng.
Vòng lặp bắt – phạt như thế cứ diễn ra bao nhiêu năm nay, không xuể. Không có sức người nào bắt hết được, và nếu có bắt hết thì với mức phạt nhẹ tênh so với lợi nhuận, họ vẫn tái phạm.
Những năm qua, thị trường thực phẩm chức năng phát triển bùng nổ, hiện giờ đã có 24.000 số đăng ký, vượt qua cả thuốc (22.000). Hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước, nhưng rất khó nói về việc quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm này. Pháp luật quy định, cơ sở sản xuất (hoặc nhập khẩu) thực phẩm chức năng phải áp dụng dây chuyền đạt chuẩn GPM, nhưng thực tế, không ít mặt hàng ra đời từ “công nghệ xô chậu”, tức là họ mua nguyên liệu thành phần về, trộn trộn, quấy quấy trong xô chậu theo một tỷ lệ nào đó rồi đóng gói.
Năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm; quý I/2024 phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm kết hợp giữa thực phẩm và các chất bổ sung như axit amin, enzyme, khoáng chất… nhằm thực hiện “chức năng” tăng cường sức khỏe. Không thể phủ nhận mặt tích cực của thực phẩm chức năng trong việc hỗ trợ điều trị, bổ sung dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho người bệnh. Đây cũng là trào lưu, xu thế quốc tế trong đầu tư cho sức khỏe. Nhưng thị trường này phát triển quá nhanh trong sự kiểm soát thiếu chặt chẽ nên đang gây ra nhiều hệ lụy và tai tiếng. Từ năm 2019, tôi đã kêu gọi phải mạnh tay với các sản phẩm thực phẩm chức năng không đạt chuẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chậm xử lý ngày nào là hại dân ngày đó.
Ngoài yêu cầu đầu tiên là siết chặt lại việc kiểm định nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm như đã nêu trên, còn nhiều công việc khác phải triển khai, cần tới không chỉ trách nhiệm của ngành y tế.
Sau chuyện nguồn gốc, xuất xứ, vấn đề tiếp theo là những bất cập trong phân phối, kinh doanh. Quy định hiện hành yêu cầu “mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế để khu vực riêng, không ảnh hưởng đến thuốc”. Nhưng không có điều khoản, quy định nào cấm bán thực phẩm chức năng trong chợ, trên sàn thương mại điện tử. Như vậy làm sao để người dân không nhầm lẫn với thuốc? Kẽ hở này rõ ràng tạo ra quá nhiều thuận lợi cho những kẻ buôn bán đang muốn người dùng nhầm thực phẩm chức năng là thuốc.
Thứ ba là chuyện thực phẩm chức năng được quảng cáo thổi phồng như thần dược ở khắp nơi, trên mạng xã hội, thậm chí cả truyền hình. Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là “trá hình” thực phẩm chức năng.
Lợi dụng thói quen chữa miệng truyền miệng, tâm lý nhẹ dạ và sự thiếu hiểu biết của người dân, các công ty sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng chi rất mạnh tay cho quảng cáo. Ngoài các chiêu thức dàn dựng “người thực việc thực” đánh vào di chứng “mãi võ Sơn Đông”, họ còn sử dụng tên tuổi, hình ảnh của người nổi tiếng, chuyên gia y tế.
Luật Quảng cáo sửa đổi đang nỗ lực siết chặt, yêu cầu người quảng cáo phải thật sự sử dụng sản phẩm có hiệu quả, rồi mới được quảng cáo (một yêu cầu khó khả thi). Ngành y tế cấm chuyên gia tham gia quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Những giải pháp này vẫn chỉ hỗ trợ phần ngọn, và còn chưa tính hết khả năng trong tương lai, chúng ta sẽ làm gì với các trường hợp dùng công nghệ AI giả người để quảng cáo. Gốc của vấn đề, nói đi nói lại vẫn là câu chuyện kiểm định nguồn gốc xuất xứ.
Một giải pháp khác là truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng, làm sao phân biệt được thuốc và thực phẩm chức năng, tác dụng và giới hạn của thực phẩm chức năng – không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Ở điểm này, tôi thấy có một vấn đề bất cập. Luật hiện hành cấm bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng. Đây là một ví dụ rõ nét cho khuynh hướng quản không được thì cấm. Lẽ ra người bệnh sẽ yên tâm hơn, an toàn hơn khi dùng thực phẩm chức năng có chỉ định của bác sĩ. Nhưng ở ta, việc cần khuyến khích thì lại bị cấm, chỉ vì nỗi sợ không kiểm soát được tình trạng bác sĩ ăn hoa hồng khi kê đơn.
Một bác sĩ từng chia sẻ với tôi, anh biết các thực phẩm chức năng hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị, nhưng không dám kê đơn cho bệnh nhân. Hôm sau tái khám, người bệnh “khoe” với anh là đang dùng một loại thực phẩm chức năng khác, được “lang băm” ngoài cổng viện tư vấn.
Tư duy “cấm vì sợ” đã khiến nhà làm luật cắt mất một trong những quyền lợi chính đáng của người bệnh. Trong khi đáng ra, nhận thức của người dân về thực phẩm chức năng sẽ dần cải thiện nếu họ có thói quen sử dụng theo khuyến nghị của bác sĩ.
Dù có nhiều hệ lụy như trên, Việt Nam lại quá thiếu các quy định quản lý, và chế tài cũng chưa đủ nặng đối với các vi phạm về sản xuất, lưu thông và kinh doanh thực phẩm chức năng.
Tuy không phải là thuốc nhưng với tầm ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe cộng đồng, thực phẩm chức năng phải được quan tâm hơn trong công tác quản lý, ở mọi khâu (sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng). Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, mà còn tạo dựng một thị trường lành mạnh cho sản xuất thực phẩm chức năng trong nước, lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế.
Phạm Khánh Phong Lan
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thuoc-than-thuc-pham-chuc-nang-4818471.html