Cuộc thương chiến do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhằm vào Mexico và Canada đã được tạm hoãn 30 ngày, kể từ 3/2.
Những ngày cuối tuần trước và hôm thứ hai vừa rồi là đỉnh điểm căng thẳng với đại đa số người dân Canada, khi phải đối mặt áp lực thuế 10% với sản phẩm năng lượng và 25% trên hầu như toàn bộ mặt hàng khác từ Canada xuất khẩu vào Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 4/2.
“Canada sẽ không khuất phục trước kẻ bắt nạt. Và chúng tôi sẽ không đứng yên khi các mức thuế gây tổn hại đến người lao động và các gia đình của chúng tôi”, Mark Carney, ứng cử viên lãnh đạo Đảng Tự do đang nắm quyền tại Canada tuyên bố.
Tại một cửa hàng rượu gần nhà, tôi chứng kiến các nhân viên thu dọn khỏi kệ tất cả chai rượu nhập khẩu từ Mỹ. Trong chừng mực nhất định, họ không thể tiếp tục ủng hộ hàng Mỹ trước động thái này.
Dù là láng giềng hữu hảo và là đồng minh thân cận của Mỹ, Canada vẫn bị Trump “xuống tay”.
Điều đáng nói hơn, chính Trump là người đã đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA). Trump từng tuyên bố đây là một “chiến thắng lớn” cho nông dân, công nhân và ngành sản xuất của Mỹ, và xem đây là một trong những thành tựu thương mại quan trọng trong nhiệm kỳ đầu của ông.
USMCA có hiệu lực từ 1/7/2020 với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa ba nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khu vực Bắc Mỹ. Dưới khung USMCA, phần lớn hàng hóa qua trao đổi thương mại giữa ba nước được miễn thuế.
Lý do mà Trump đưa ra để áp thuế chủ yếu là vấn đề an ninh biên giới giữa Mỹ với Mexico (phía Nam) và với Canada (phía Bắc), nhằm gây áp lực buộc Mexico và Canada tăng cường hợp tác ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy, bao gồm fentanyl gây chết người, tràn vào Mỹ.
Thực tế, số ma túy được tuồn lậu từ Canada chiếm chưa tới 1% nguồn cung fentanyl ở Mỹ. Dữ liệu từ Cục Phòng chống Tội phạm Ma túy Mỹ chỉ ra năm 2024, chỉ có khoảng hơn 19 kg fentanyl bị thu giữ ở biên giới phía Bắc, con số rất nhỏ so với hơn 9,5 tấn thu được ở biên giới phía Nam.
Tương tự, nhập cư bất hợp pháp từ Canada vào Mỹ năm 2024 là 198.929 người, chỉ chiếm 6,9% tổng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ (2,9 triệu). Trong đó, vượt biên qua biên giới trên bộ mà không qua các cửa khẩu chính thức là 23.721 người, chỉ chiếm 1,5%.
Vì vậy, lập luận áp thuế của Trump lên Canada dựa trên vấn đề an ninh biên giới không thực sự thuyết phục.
Đằng sau lệnh áp thuế là ý chí sáp nhập Canada thành bang 51 của Mỹ bằng công cụ kinh tế. Hai tuần trước khi nhậm chức, Trump tuyên bố sẽ sử dụng “áp lực kinh tế” để ép Canada sáp nhập, nhấn mạnh rằng việc làm này sẽ tăng cường an ninh quốc gia và giảm bớt chi phí bảo vệ biên giới của Mỹ.
Sau khi lệnh áp thuế được đăng trên website của Nhà Trắng ngày 1/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau lập tức tuyên bố trả đũa với mức thuế 25% với hầu hết hàng hóa từ Mỹ. Trong thông điệp đến người dân Mỹ, Trudeau cảnh báo sắc lệnh áp thuế của Trump sẽ gây ra hậu họa cho chính người dân nước họ.
Phòng Thương mại Canada ước tính việc áp thuế 25% mỗi bên sẽ gây thiệt hại hàng năm khoảng 1.300 USD cho mỗi người dân Mỹ và 1.900 CAD cho mỗi người dân Canada, quy ra tỷ giá là ngang nhau. Việc áp thuế này sẽ gây thiệt hại nền kinh tế Mỹ khoảng 467 tỷ USD (bằng 1,6% GDP) và nền kinh tế Canada khoảng 78 tỷ CAD (bằng 2,6% GDP). Đây là một cuộc chiến mà cả hai đều thiệt hại.
Từ vài tháng qua, Trump liên tục đưa ra nhiều con số khác nhau, tuyên bố rằng Mỹ đang “trợ cấp” (subsidy) cho Canada, có lúc lên tới 200 tỷ USD hàng năm. “Trợ cấp” mà Trump nói tới thực chất là thâm hụt thương mại (trade deficit).
Năm 2023, giá trị trao đổi thương mại giữa Mỹ và Canada đạt 923 tỷ USD, tương đương kim ngạch thương mại song phương hơn 2,5 tỷ USD mỗi ngày. Mỹ xuất khẩu 441 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 482 tỷ USD, nghĩa là Mỹ bị thâm hụt (nhập siêu) 41 tỷ USD, chỉ bằng một phần năm con số của Trump.
Chi tiết hơn, nếu không tính các sản phẩm năng lượng (chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt), Mỹ thậm chí còn đạt thặng dư thương mại (xuất siêu) lên đến 63 tỷ USD năm 2023. Thực tế, Canada đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Mỹ, khi là nước bán dầu thô nhiều nhất cho Mỹ nhiều năm qua. Năm 2023, 60% dầu nhập khẩu của Mỹ từ Canada. Nhiều nhà máy lọc dầu Mỹ, được thiết kế chỉ để xử lý loại dầu nặng từ Canada. Với sự phụ thuộc này, áp thuế của Mỹ vào dầu thô Canada thì dân Mỹ sẽ thiệt hại trước vì giá xăng dầu sẽ tăng tức thời trong khi nguồn dầu thay thế không thể có trong vài năm tới.
Có thể thấy rằng, thực tế không phải Mỹ “trợ cấp” gì cho Canada, mà là điều bình thường trong thương mại song phương, thuận mua vừa bán. Điều ngạc nhiên là hầu hết bình luận trên nền tảng X mà tôi đọc được đều ủng hộ luận điểm của Trump và tỏ ra phẫn nộ về việc Mỹ đang “trợ cấp” (không có thật) cho Canada.
Lời đe dọa áp thuế của Trump châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ khắp Canada, khi người dân cảm thấy bị phản bội. Tôi có thể cảm nhận rõ tinh thần dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, khi người dân Canada kêu gọi nhau ủng hộ hàng nội địa. Những tấm biển “Made in Canada” xuất hiện dày đặc trong các siêu thị, cửa hàng, và danh sách các sản phẩm thay thế hàng Mỹ do Canada sản xuất đang được lan truyền rộng rãi.
Tôi nghĩ động thái cứng rắn từ người đứng đầu chính phủ Canada với sự đồng lòng của lãnh đạo các tỉnh bang, cùng sự đoàn kết của doanh nghiệp và người dân nước này đã tạo thành một hàng rào phòng ngự khiến Trump lùi bước. Phản ứng cứng rắn này là có cơ sở, nhưng cũng phải kể đến sự khôn khéo của các nhà đàm phán Canada trong việc đáp ứng đòi hỏi của Trump về tăng cường an ninh biên giới.
Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu và 64% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Nhưng giờ đây, chính phủ, doanh nghiệp và người dân Canada đã nhận ra rằng sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế Mỹ không chỉ đem lại cơ hội mà còn tiềm ẩn những rủi ro đáng lo ngại khi đối tác này bỗng dưng “thay lòng đổi dạ”.
Việc Trump dọa áp thuế lên quốc gia láng giềng và đồng minh thân cận cho thấy một điều rõ ràng: dưới thời Trump, điều chắc chắn duy nhất là chẳng có điều gì chắc chắn.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/2 cho thấy Việt Nam đứng thứ tư về thặng dư thương mại với Mỹ trong năm 2024, đạt 123,5 tỷ USD, chỉ xếp sau Trung Quốc (295,4 tỷ USD), EU (235,6 tỷ USD) và Mexico (171,8 tỷ USD), gấp đôi Canada xếp thứ mười (63,3 tỷ USD).
Với lập trường bảo hộ thương mại, Trump xem thuế là đòn bẩy chiến lược, tự gọi mình là “người áp thuế” (tariff man) và khẳng định điều này có lợi cho kinh tế Mỹ. Sau Canada, Mexico và Trung Quốc, khối BRICS và EU cũng đang trong tầm ngắm của Trump.
Chính sách thuế bảo hộ của Trump đã gây ra nhiều thách thức nhưng cũng để lại những bài học quan trọng về sự cần thiết của chiến lược thương mại linh hoạt và quan hệ ngoại giao khéo léo. Câu nói “không để tất cả trứng vào một giỏ” của cha ông vẫn nguyên giá trị, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa đối tác và củng cố quan hệ đồng minh trong một thế giới đầy biến động.
Trong bối cảnh đó, có lẽ Việt Nam cũng cần chuẩn bị các giải pháp phòng vệ trước viễn cảnh bị cuốn vào cuộc chiến mà Trump gọi là chống lại những quốc gia “nhận trợ cấp” từ Mỹ.
Dựa vào nội lực và luôn lấy lợi ích quốc gia làm ưu tiên hàng đầu, đó là kim chỉ nam trong việc trị quốc của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
Nguyễn Đăng Anh Thi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thue-cua-ong-trump-4846646.html