Tôi nhớ cảm giác bị “chặt chém” trong lần đầu đến Việt Nam: giận dữ, cạn kiệt nhiệt huyết, thất vọng với con người… Nó phá huỷ tâm trạng tôi suốt một ngày dài.
Tệ nhất là sau đó, tôi nhìn những người xung quanh bằng ánh mắt dò xét, cảm thấy họ không đáng tin cậy nữa.
Tôi trở thành con mồi, vào tầm ngắm của cánh taxi ngay từ lúc vừa ra khỏi sân bay cho tới mãi sau này. Mỗi khi tôi đi bộ từ nhà đến siêu thị, sẽ luôn có tài xế nào đó hét vào mặt tôi “Hê lô, hế lồ” rồi rề rề đi theo một cách khó chịu. Tôi thấy mình như đang chật vật qua sa mạc và nếu yếu đuối bước lên xe với họ, tôi sẽ bị “móc túi”.
Điều này xảy ra với tôi nhiều lần. Và kết quả luôn giống nhau, tôi cố gắng nhớ hiệu taxi và không bao giờ dám sử dụng lại nữa, tôi thậm chí sẽ không vẫy xe ở nơi mà tôi từng bị lừa.
Khía cạnh an ủi duy nhất là tình trạng này đem đến “một phước lành bí mật”, thúc đẩy tôi học tiếng Việt chăm chỉ hơn để biết mặc cả, ngã giá, bớt bị họ bắt nạt.
Rồi, một trong số những thay đổi lớn nhất lịch sử con người đã đến: điện thoại thông minh kéo theo thương mại điện tử. Ngay lập tức, tôi có thể đặt dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, ăn uống, và di chuyển với mức giá tin cậy được.
Tôi hầu như quên đi cảm giác canh cánh nỗi lo bị lừa.
Quyền lực nằm trong tay tôi. Chúng tôi viết đánh giá, chấm điểm bằng sao cho từng sản phẩm với nỗ lực để không còn ai là nạn nhân lặp lại của cùng một sản phẩm, dịch vụ nữa. Các nhà cung cấp sẽ buộc phải chú ý đến từng chi tiết, hoặc là họ sẽ bị ế, dẫn đến phá sản.
Trong tôi có cảm giác vui sướng khi thấy nhiều doanh nghiệp yếu kém nhưng lại được độc quyền về sản phẩm và dịch vụ, giờ phải cạnh tranh với sự đổi mới của công nghệ.
Nhưng xã hội công nghệ ngay lập tức hiện hình mặt trái của nó. Để mà hình dung, ở khía cạnh này, tôi thấy nó như con bạch tuộc nhiều chân, từ nhiều phía bò tới, thọc những cái tua vào hút cạn lấy khách hàng chúng tôi bằng nhiều cách.
Mỗi buổi sáng gần đây, tôi thường ra quán cà phê gần nhà, mang theo bút và những cuốn sổ đặt mua từ trên mạng, kiếm một chỗ ngồi, “chiến đấu” với tiếng Việt để hoàn thành cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Hôm nay, sáng sớm có khoảng cỡ chục khách ngồi cứng đờ như khúc gỗ, hầu như không cử động, nép mình trong góc hoặc những nơi khuất tầm nhìn.
Tôi tiến tới gần chỗ của ba người trẻ. Một cô gái và hai chàng trai gầy gò ngồi cạnh nhau, đeo tai nghe. Các ngón tay của họ chuyển động như chân nhện bò xung quanh phím laptop hoặc rượt đuổi nhau trên chiếc điện thoại thông minh. Thỉnh thoảng, họ thả lỏng mình, rơi vào chiếc ghế sofa bọc nỉ êm ái, cười đùa, nói với nhau dăm ba câu.
Những người như họ, tôi nhìn thấy nhiều lắm ở các quán cà phê. Họ thường đang chơi game, nghe nhạc, mua sắm gì đó trên các trang thương mại điện tử, thậm chí là gọi một ly trà sữa ngay trong quán theo cách kén chọn. Cũng có một số đến quán cà phê để học và làm việc, nhưng ít thôi, thường họ ngồi một mình.
Nhìn ba người trẻ, những cơ thể bất động trong khi bàn tay nắm chặt các thiết bị công nghệ, tôi như bị thôi miên trong giây lát. Xung quanh họ đầy dây rợ, kết nối với cục xạc, ổ điện. Tôi nhìn thấy sự cô đơn tận cùng trong những mối liên hệ chằng chịt của công nghệ với con người. Cũng như họ, tôi lắm lúc tự biến mình thành zombie của công nghệ.
Ở khía cạnh nào đó, chúng tôi cũng đang bị đưa vào những cái bẫy, mà không hay. Thế chỗ cho cánh tài xế “hê lô, hế lồ” vào mặt tôi là các thuật toán và ứng dụng sử dụng tâm lý học khiến chúng ta phải dán mắt vào mặt hình, làm tê liệt thần kinh và cạn kiệt ý chí con người bằng các giải thưởng và chương trình giảm giá. Những biểu tượng sống động của “Rewards – Discount” luôn tìm cách chặn lối thoát của người dùng.
Tôi sẽ nói với bạn rằng, ý chí của chúng ta không mạnh lắm đâu, đặc biệt là khi ý chí đó bị thúc đẩy sa ngã bằng túi tiền rủng rỉnh.
Ý chí như một thanh pin, có thể “xạc đầy” 100%. Nhưng khi tôi lần đầu nhìn thấy bức ảnh chiếc bánh donut chocolate, thanh pin tụt đi một chút; đến lần thứ hai, thanh pin tụt chút nữa và đến lần thứ ba thì donut chocolate đã nằm trong bụng tôi. Mục tiêu của quảng cáo là vậy, lởn vởn đâu đó, săn đón khách hàng đến cùng. Các thủ thuật mời gọi bằng công nghệ cũng ngày ngày bám riết lấy người dùng, đưa họ tới click cuối cùng trên nút “Thanh toán”.
Dù thường khó chịu vì bị làm phiền, tôi chấp nhận tất cả khía cạnh này như một phần tất yếu của hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa. Thương mại điện tử phát triển đã mang lại quá nhiều lợi ích cả cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Không ít sàn thương mại, đặc biệt là các sàn quốc tế và các sàn nội địa uy tín, đang làm rất tốt vấn đề hậu mãi, cố gắng đảm bảo quyền của khách hàng.
Nhưng có những điều khiến tôi bực bội, gợi lại cảm giác tức tối như từng gặp ở những gã tài xế ăn gian. Ám ảnh trước hết là cảm giác dường như có những kẻ đang theo dõi hoặc biết chính xác tôi đang làm gì, cần gì bằng cách thu thập, mua bán thông tin cá nhân của tôi một cách trái phép. Sự thao túng là thứ khiến tôi phát điên nhất. Hàng loạt cửa sổ của các ứng dụng tự động bật lên và nhảy ra, làm gián đoạn các quyết định của tôi, thậm chí làm tắt ngấm dòng suy tư của tôi về cuốn tiểu thuyết – một trong những lý do khiến tôi gần đây chuyển sang viết tay vào các cuốn sổ. Những lúc như thế, tính xấu trong tôi như một con chó muốn bật lên tiếng sủa, vì nhìn thấy khách không mời hoặc có linh cảm không tốt.
Thứ hai là gần như hàng ngày, tôi tiếp nhận đủ loại tin tức cảnh báo về nạn lừa đảo, được con người thực hiện với sự hỗ trợ, tiếp sức của công nghệ. Shipper lừa các phụ nữ chăm chỉ mua hàng online, bọn buôn người lừa những thanh niên trẻ ham việc nhẹ lương cao, kẻ có chút kiến thức cũng lùa gà đầu tư, lừa những kẻ nhẹ dạ, tham giàu… Tôi vẫn đang hồi hộp chờ đợi đến lượt mình, vì cũng không có gì khó hiểu lắm, nếu tôi rơi vào bẫy một ngày xấu trời nào đó.
Cuối cùng thì, mặt trái của thời đại công nghệ xảy ra ở bất cứ nơi nào, không riêng gì Việt Nam. Nhưng dường như Việt Nam yếu hơn so với một số quốc gia tôi từng đến ở các hoạt động, biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Không chỉ mình tôi chịu ấm ức khi bị lừa, mà nhiều người bạn Việt Nam của tôi cũng chia sẻ rằng, họ không trông cậy được gì nhiều ở các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hoặc các cơ chế xử lý khiếu nại của khách hàng. Theo tôi, đó là những khía cạnh cần được cải thiện nhằm mang lại lợi ích nhiều phía: bên cung cấp sản phẩm dịch vụ làm ăn tử tế hơn, và quyền lợi khách hàng được đảm bảo.
Còn tôi, như từng chăm chỉ học tiếng Việt để bảo vệ bản thân, lần này, tôi đành chịu khó tự cập nhật thông tin, trang bị kiến thức công nghệ để không trở thành “con mồi 4.0”.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/than-phan-con-moi-4803261.html