Nhóm bạn 6-7x chúng tôi thường nói vui với nhau rằng: “Chúng ta là thế hệ cuối cùng biết sợ bố mẹ và là thế hệ đầu tiên sợ con cái, một lớp nhân kẹp giữa hai lát sandwich”.
Tôi không nói tới lát sandwich bên trên – cha mẹ 78-80 như chuối chín cây, các cụ giữ vị trí cao nhất, được chiều chuộng, nhường nhịn nhất, chỉ tập trung vào lát bên dưới – thế hệ trẻ, trong nhà là con cháu, ra xã hội là lực lượng lao động chính, nhóm đối tượng tiêu thụ hàng hóa dịch vụ chính. Ở cả hai khối quốc doanh lẫn tư nhân, nhóm này đang dần bước vào các vị trí quản lý, điều hành.
Khi tôi thông báo trở lại làm việc như một nhân viên văn phòng, cộng sự với một nhóm 100% nhân sự trẻ thuộc “câu lạc bộ 25-35”, các bạn đồng lứa nhân sandwich đã cá cược xem tôi sẽ bỏ cuộc sau mấy tuần. Tôi nghĩ: ở nhà, ra đường, sống chung, giao tiếp tương tác được, chẳng lẽ làm việc với giới trẻ lại khó đến vậy? Nhưng các cảnh báo phổ biến là: bọn trẻ rất khó hợp tác, đề cao bản thân, thiếu kiên nhẫn, không cần nỗ lực, ít mục tiêu sống rõ rệt, không cởi mở, chỉ tương tác tối thiểu khi cần. Nếu là con cháu, chúng có thể khiến mình căng thẳng đến phát điên, nếu là cộng sự chắc sẽ đột quỵ!
Nhưng trong vòng tròn công việc của mình, như thói quen và phản xạ nghề nghiệp thường có, tôi quan sát, nhận ra khá nhiều điều ở giới trẻ mà có thể vì định kiến, vì vị thế phụ huynh mà lớp nhân sandwich đã ít khi thừa nhận. Khách quan và sòng phẳng, ta sẽ nhận thấy rất nhiều ưu điểm của giới trẻ.
Giới trẻ, như tôi thấy, là những công dân số đích thực, hiểu biết và nhiều kỹ năng.
Robot, các phần mềm trí tuệ nhân tạo phát triển không chỉ đe dọa cướp đi công việc của công nhân, kỹ sư, chuyên viên chăm sóc khách hàng, điều dưỡng viên, nhà thiết kế… Nhưng những công dân số đích thực này ít ám ảnh bởi nỗi sợ bị AI thay thế như cha mẹ cô chú họ.
Sinh ra, lớn lên trong thế giới số, dễ dàng di chuyển giữa cả các nền tảng truyền thống và công nghệ, giới trẻ coi AI là công cụ, như một phần đương nhiên của cuộc sống.
Giữa biển thông tin được cập nhật theo giây, thế hệ lướt – chạm này biết chọn các công cụ tối ưu để có thông tin mình cần nhanh nhất. Giỏi công nghệ, không chỉ biết dùng mà còn tạo ra app, luôn luôn có khả năng game hóa mọi việc cho dễ hiểu, là đặc điểm nhận diện đầu tiên của giới trẻ mà thế hệ gen Z chiếm đa phần này.
Một người bạn của tôi kể, khi chị muốn con gái đang du học quay về Việt Nam, cô gái đã chuẩn bị mấy chục slides, với đầy đủ con số, hình ảnh, phân tích, để thuyết phục cha mẹ cho ở lại. Minh, một phụ huynh là chuyên gia tư vấn tài chính gửi cho tôi xem kế hoạch khởi nghiệp của cô con gái đang học lớp 8, đề nghị gọi vốn 6 triệu đồng từ mẹ. “Con có tiền để dành nhưng muốn để mẹ xem xét tính khả thi! Nếu mẹ từ chối, xin vui lòng phân tích…”. Bà mẹ chuyên gia đánh giá rất cao mục đích làm kế hoạch đó để học chứ không phải để xin 6 triệu của cô gái nhỏ.
Nói vậy để thấy tư duy thuyết trình, phản biện, luôn có kế hoạch dự trù (plan B) chính là điểm rất nổi bật của nhóm này. Đáng nói hơn, nhờ thành thạo các công cụ, kỹ năng giúp nâng cao nhận thức, các bạn hiểu biết, có chính kiến, đề cao tính cá nhân và sự minh bạch.
“Chúng em luôn muốn biết sự thật nhanh nhất, không thích bị lừa dối. Trắng là trắng, đen là đen. Rất nhiều khi, khái niệm vùng xám, sự linh hoạt mà người lớn nhắc đến, với chúng em sẽ là sự đánh tráo khái niệm, ngụy biện. Chẳng hạn, bác sĩ đi quảng cáo cho thực phẩm chức năng là sai, bất kể có thổi phồng công dụng hay không”, trưởng nhóm tư vấn khủng hoảng truyền thông của một đơn vị bày tỏ quan điểm khi các vấn đề liên quan đến sữa giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng đang thời sự trên mặt báo.
Trong quá trình làm việc cùng, tôi cũng nhận thấy, các bạn trẻ làm ra làm, chơi ra chơi, và sẵn sàng thêm giờ. Họ thường không ngần ngại nhận thêm yêu cầu khác, tất nhiên với chế độ chính sách, thu nhập phải khác – cũng chính là đặc điểm đề cao minh bạch và rõ ràng tôi vừa nói ở trên. Họ có thể nhận việc khi đang trên đường, xử lý ngay qua điện thoại trong quá trình di chuyển, rất linh hoạt và chủ động.
Một số bạn bè tôi vẫn thường than phiền về việc con cái “được chiều chuộng, lớn lên trong đủ đầy, nên ích kỷ, thiếu nỗ lực, thất bại là đổ tại xã hội thiếu công bằng…”, nhưng phần đông bạn trẻ mà tôi làm việc cùng hay tiếp xúc hàng ngày, trên đường, trên xe bus, trong siêu thị, đều hành xử văn minh, có giáo dục và không ít lần khiến nhiều người lớn cảm động. Chạy xe thấy được nhường đường sẽ gật đầu cảm ơn, xếp hàng tự giác, bước vào thang máy giữ cửa cho người khác, dọn rác không cần biết của ai… Chắc chắn tôi không phải là người duy nhất nhìn thấy những hành động tích cực này ở giới trẻ.
Những đặc điểm tích cực nêu trên góp phần hình thành nên một thái độ mà tôi rất quý ở lớp trẻ, là sự thẳng thắn nhận lỗi khi sai, không tìm cách ngụy biện – “ngã không đổ tại nền nhà”. Cũng giống như giỏi công nghệ, sáng tạo và khả năng tiếp nhận, ứng dụng thông tin nhanh trong thế giới số, sự thẳng thắn, trung thực, sai không đổ lỗi, là phẩm chất đáng tin cậy ở thế hệ trẻ.
Bạn có thể cảm thấy tôi có phần thiên lệch trong cách đánh giá. Tôi tất nhiên cũng nhìn thấy cả những điểm hạn chế của giới trẻ ngày nay. Nói cách khác, những “cảnh báo”, “than phiền” kể trên ít nhiều đều có cơ sở. Tuy nhiên, dường như mọi khiếm khuyết của lớp trẻ đang bị thổi phồng lên quá mức, bởi những bậc cha mẹ, cô chú, được “nói nhiều hơn”, “nói to hơn” trong xã hội. Tôi muốn góp phần giúp con cháu và các đồng nghiệp nhỏ tuổi của mình được nhìn nhận một cách cân bằng và ít xét nét hơn.
Thế hệ trẻ chưa hoàn hảo, nhưng nếu họ hiểu biết, tự tin, sống trách nhiệm với thái độ ‘ngã không đổ tại nền’, thì chính họ sẽ là cái nền vững chãi cho tương lai mà chúng ta có thể an tâm trao lại.
Lê Lan Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nga-khong-do-tai-nen-4881083.html