Bộ Y tế vừa đề xuất Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành Y, lập tức trở thành vấn đề gây tranh cãi.
Tôi không vội kết luận nên hay không nên thông qua đề xuất này, mà cho rằng cần dựa trên những luận cứ và bằng chứng cụ thể để đánh giá.
Theo Bộ Y tế, nhân lực ngành Y ở Việt Nam đang thiếu hụt, cả về số lượng lẫn chất lượng so với tiêu chuẩn quốc tế. Việc miễn học phí được kỳ vọng thu hút thêm nhiều sinh viên chọn ngành Y, qua đó cải thiện tình hình trong tương lai. Tuy nhiên, cần đặt câu hỏi: liệu chính sách này có thực sự cần thiết và hiệu quả?
Ngành Y là ngành học có sức hấp dẫn lớn. Điểm chuẩn các trường Y luôn nằm trong nhóm cao nhất, thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt từ các thí sinh. Điều này cho thấy ngành Y không thiếu người muốn học, dù miễn học phí hay không.
Thực tế, chính sách miễn học phí đã được áp dụng từ trước, nhưng giới hạn ở chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y và pháp y tâm thần (theo Luật Khám chữa bệnh năm 2009), và gần đây có thêm các ngành tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu (theo Luật Khám chữa bệnh 2023). Đây là những chuyên ngành kén người học, nếu không có biện pháp khuyến khích sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Do đó, việc miễn học phí cho các chuyên ngành này là cần thiết và hợp lý.
Nếu mở rộng chính sách miễn học phí ra toàn bộ ngành Y, sẽ có những vấn đề gì cần lưu ý?
Thứ nhất, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp có thể bị hạn chế. Miễn học phí chắc chắn đi kèm với những ràng buộc, chẳng hạn như yêu cầu làm việc tại các cơ sở y tế công, hoặc địa bàn được chỉ định, trong một thời gian nhất định. Điều này có thể khiến những sinh viên nhận ra mình không phù hợp với ngành Y hoặc muốn theo đuổi các lĩnh vực khác gặp khó khăn khi thay đổi định hướng nghề nghiệp. Việc hoàn trả học phí cũng tạo ra áp lực không nhỏ.
Tôi có không ít đồng nghiệp từng tốt nghiệp ngành Y nhưng lại chọn làm việc trong các lĩnh vực khác. Họ là các chuyên gia về bình đẳng giới, chuyên gia truyền thông, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội. Họ từng là những sinh viên y khoa ưu tú và có thể đã trở thành bác sĩ giỏi ở một cơ sở y tế nào đó. Tuy nhiên, họ nhận ra công việc bác sĩ không phù hợp. Quyết định thay đổi nghề nghiệp giúp họ cảm thấy hài lòng và cống hiến tốt hơn.
Thứ hai, ngân sách Nhà nước sẽ phải gánh thêm một khoản chi lớn để hỗ trợ các trường đào tạo y khoa. Điều này đi ngược với mục tiêu giảm chi thường xuyên, tập trung đầu tư phát triển những định hướng quan trọng đang được thúc đẩy hiện thực hóa.
Thứ ba, sự phụ thuộc vào ngân sách có thể làm giảm động lực tự chủ và sáng tạo của các trường đại học. Thay vì tìm kiếm những phương thức đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và tự tạo nguồn thu, các trường có thể trở nên thụ động, chờ đợi vào nguồn ngân sách được cấp.
Thứ tư, ưu tiên miễn học phí có thể dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các ngành nghề. Trong khi đó, mọi lĩnh vực đều cần thiết để duy trì sự phát triển và vận hành của xã hội. Nếu ngành Y được miễn học phí như ngành sư phạm, các ngành khác cũng có thể yêu cầu chính sách tương tự, tạo ra áp lực không nhỏ lên ngân sách Nhà nước.
Chính bởi những hệ lụy này, theo tôi, thay vì miễn học phí, Nhà nước nên duy trì và mở rộng chính sách học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc thành tích xuất sắc. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên mà còn khuyến khích sự nỗ lực trong học tập và nghiên cứu.
Chính sách cho vay học phí với lãi suất ưu đãi cũng cần được đẩy mạnh. Với đặc thù ngành Y có thời gian học kéo dài và chi phí cao, việc hỗ trợ sinh viên vay vốn sẽ giúp họ tập trung vào việc học mà không lo lắng về tài chính.
Ngoài ra, xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ sinh viên là một hướng đi cần thiết. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, có thể tham gia vào việc cấp học bổng, tài trợ nghiên cứu hoặc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại cơ sở của họ. Trong lúc hệ thống y tế tư nhân ngày một phát triển thì sự đồng hành của các đơn vị này được coi như một khoản đầu tư dài hạn để họ thu hút nhân lực, bên cạnh ý nghĩa quảng bá thương hiệu.
Chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành Y cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên những bằng chứng và phân tích cụ thể. Miễn học phí không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Thay vào đó, các chính sách khuyến khích học tập và hỗ trợ tài chính một cách linh hoạt, cùng sự tham gia của xã hội, có thể mang lại hiệu quả bền vững hơn cho ngành Y và hệ thống y tế của Việt Nam.
Nguyễn Minh Hoàng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mien-hoc-phi-nganh-y-4833819.html