Người đàn ông ngồi trên vỉa hè hất hàm hỏi: “Này, nó bị làm sao đấy?” khi tôi chở con trai ra ngõ mua mấy quả chuối.
Ba chữ “bị làm sao” dội vào đầu tôi, nghe rất khó chịu, dù từ khi sinh Bôm ra cho tới lúc đó, tôi đã quá quen với những ánh mắt soi mói, những sự chỉ trỏ. Với khán giả, tôi thường rất hay nhịn, nhưng có những lúc, như giây phút đó, tôi vẫn không kìm lòng được. Tôi đáp lại với một ít nhiều “thái độ”: “Cháu chả làm sao cả, thế có vấn đề gì không?”.
Người đàn ông trả lời tôi: “À không, không vấn đề gì cả”. Sự lúng túng trong câu nói của anh không khiến tôi bớt đi bực bội trên đường chở con về nhà.
Bôm của tôi mắc căn bệnh hiếm gặp khiến gia đình chúng tôi đã trải qua những ngày tháng hoang mang tột độ vì tương lai mù mịt. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, và sẽ phải làm những gì cho con, nhưng tôi chắc chắn sẽ giúp đứa con trai thiệt thòi của mình trở nên bình thường.
Và cuộc sống của tôi từ đó, không còn bình thường như trước nữa. Mọi quyết định liên quan đến công việc, cuộc sống cá nhân hay vui chơi giải trí của tôi đều nương theo con. Con ngủ, tôi dậy sớm nấu nướng, xay nhuyễn thức ăn cho vào cặp lồng (vì cháu chưa ăn được đồ cứng), con tập nhạc, tôi ngồi nghe để sau đó còn thảo luận, động viên con; đi cà phê với bạn bè, tôi cũng mang con theo, để cháu được tiếp xúc, hòa nhập, tránh cảm giác tự ti trước mọi người. Cuộc sống gần như chỉ có hai bố con hơn 20 năm qua loay xoay với ăn uống, âm nhạc, thể dục, thuốc thang, các kỳ thi và những cuộc phẫu thuật…
Năm 2017, Bôm của tôi đỗ vào hệ trung cấp 1, chuyên ngành Piano Jazz, khoa Nhạc Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau 7 năm, cậu vừa tốt nghiệp loại giỏi, hôm 10/6. Một chặng đường đồng hành với con của tôi vừa hoàn thành, với nhiều kết quả tốt đẹp. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Bôm sẽ còn phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, tức là sống được bằng nghề.
Tương lai của Bôm, tôi dần đã nhìn thấy rõ, nhưng con sẽ vẫn khó khăn hơn nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác. Tôi nói với Bôm, con có thể không trở thành số một, nhưng luôn phải ý thức phấn đấu nằm trong tốp đầu. Nghề nghiệp của bố con tôi – làng nhàng không sống được. Tôi dặn con đã lên sân khấu, đã nhận tiền của khán giả là phải sòng phẳng. Con không thể xin lỗi rằng hôm nay tôi chơi không tốt, vì ngón tay của tôi khó cử động. Phải nằm trong tốp đầu, con mới được mời lên các sân khấu lớn, mới có đủ khả năng tự nuôi sống bản thân và lo cho gia đình.
Trở lại câu chuyện về người đàn ông hất hàm hỏi tôi trên vỉa hè – khoảng 30 phút sau khi về tới nhà, tôi nhận được một tin nhắn từ số lạ. Anh xin lỗi vì ban nãy đã làm tôi khó chịu và giới thiệu bản thân là võ sư, có võ đường, thấy cháu như thế thì muốn tôi gửi cháu đến, anh sẽ dạy cháu miễn phí để tăng thể lực. Tin nhắn khiến tôi dịu đi.
Cuộc sống của tôi đã “lên, xuống” với những nỗi buồn, niềm an ủi như thế. Bố con tôi, đặc biệt là Bôm, được rất nhiều người quý mến, yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng tôi vẫn luôn dặn lòng và dạy con nỗ lực sống đàng hoàng, sòng phẳng, không ỷ lại hay dựa dẫm vào lòng thương của người khác.
Con cái là nơi cha mẹ đặt vào mọi kỳ vọng lớn lao. Nhưng tôi tin, ước mơ cơ bản và thiết yếu nhất là chúng tự lập, sống được bằng đôi tay, khối óc của mình. Điều đó lại đặc biệt quan trọng và gần như là tất cả với bố con tôi.
Ngay từ khi Bôm được sinh ra, một trong những câu hỏi đau đáu đầu tiên ập đến với tôi là: “Mai sau mình chết đi, con sẽ sống ra sao?”. Cả một chặng đường dài, bố con tôi chiến đấu để trả lời cho câu hỏi đó. Tôi dần dà dạy con cách tráng trứng, dạy con thay bóng đèn… – những công việc của một người đàn ông trong gia đình. Và con tôi, may mắn đã yêu thích và có khả năng âm nhạc, tốt nghiệp được Nhạc viện – không chỉ là thánh đường âm nhạc, mà còn là một trường nghề, tức là đào tạo cho cháu một công việc để kiếm sống.
Chứng kiến con trai khôn lớn, có những thành tựu đầu tiên, cũng là lúc tôi bắt đầu vẩn vơ nghĩ mình đã “có tuổi”, quỹ thời gian sẽ dần càng ngắn lại. Mong ước con trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp lại càng trở nên thôi thúc, mạnh mẽ hơn. Trước mắt, Bôm sẽ còn 4-5 cuộc phẫu thuật để trồng răng, hoàn thiện khuôn mặt, cho đẹp trai hơn, để cậu tự tin với các bạn gái.
Một nhà báo hỏi tôi nghĩ gì trong Ngày của Cha, năm nay rơi vào 16/6. Tôi không biết về ngày này, nên không nghĩ gì cả. Nhưng tôi đã thú thực là tôi, lúc này lúc khác, không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, vì gặp số phận éo le, có đứa con bị căn bệnh mà gần 100.000 người trên thế giới mới có một người mắc phải.
Nhưng bù lại, tôi nghĩ mình đủ hạnh phúc – thứ hạnh phúc mà những người bố bình thường khác không cảm nhận được. Con dạy lại tôi nhiều điều, giúp tôi cứng rắn hơn và trên hết giúp tôi thấy ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống này: nỗi vất vả và thành quả ngọt ngào; sự hy sinh và phần thưởng nhận được; đam mê, nỗ lực và thành công…
Đứa con là món quà của mỗi bậc cha mẹ, và làm bố của Bôm là quà tặng đặc biệt mà tôi nhận được từ cuộc đời này.
Quốc Tuấn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lam-bo-cua-bom-4758872.html