Không ít quan niệm truyền thống từng được nhiều người ủng hộ, cho đến khi bị khoa học phủ nhận, ví dụ “Thương cho roi, cho vọt” (giáo dục hiện đại không cho phép dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ em), hay “Nét chữ, nết người” (khoa học chứng minh chữ viết không liên quan đến phẩm chất hay tính cách của một con người).
Liên quan đến việc dạy và học, quan niệm Không thầy đố mày làm nên cũng đang dần thay đổi. Người thầy ngày nay vẫn giữ vai trò rất quan trọng, nhưng học sinh mới là trung tâm của giáo dục, và cần làm chủ việc học ngay từ tuổi nhỏ vì bản chất của giáo dục chính là việc hỗ trợ mỗi cá nhân tự sáng tạo ra chính mình.
Khi lượng tri thức của nhân loại còn hạn chế, người thầy chính là linh hồn của ngôi đền tri thức, giữ vai trò không thể thay thế trong việc trực tiếp phổ biến tri thức cho học trò qua truyền miệng (thuyết giảng). Khi không có thầy, việc học hầu như không thể xảy ra, và bản thân học trò cũng khó có thể đi xa hơn thầy. Sự phụ thuộc vào người thầy là một đặc điểm của nền giáo dục xưa, khi thầy chính là sách, là từ điển.
Nhưng khi tri thức của nhân loại bùng nổ, người thầy không còn ở vị trí độc quyền về tri thức. Thầy dù giỏi giang, uyên bác như một pho từ điển sống, cũng không thể nào cạnh tranh được với cỗ máy ghi nhớ và tra cứu như Google, hoặc có thể cập nhật hết tri thức mới được sản sinh mỗi ngày. Do vậy, vai trò của người thầy cũng cần biến đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Người thầy mới sẽ trở thành người dạy cách học, cách đặt câu hỏi, cách tra cứu, cách tìm kiếm trợ giúp, cách lập thời khóa biểu học, cách “dạy chính mình”. Hơn một người thầy truyền thống chỉ có “dạy kiến thức”, người thầy mới phải đồng hành, dẫn dắt, huấn luyện, truyền cảm hứng, hỗ trợ, động viên, khuyến khích…
Khi quy định hạn chế dạy thêm – học thêm ngay trong trường được ban hành, rất nhiều học sinh và phụ huynh chới với vì nhiều em tin rằng mình không thể học được nếu không có thầy cô, hoặc học không “vào”. Vấn đề ở đây chính là: các em bị mất khả năng tự học. Giống như những đứa trẻ được thầy cô tận tụy “đút cho ăn” từ nhỏ, các em không còn giữ được kỹ năng tự nhiên là có thể “tự xúc cơm ăn”. Sự phụ thuộc vào thầy cô và trường học sẽ cản trở các em trở thành một người học chủ động và tự lập khám phá thế giới. Thay vì “xúc cơm” cho trò cho ăn, thầy cô sẽ cần dạy các em cách “tự xúc phần cơm của mình”, và xa hơn nữa là tự tay nấu và thưởng thức bữa tiệc tri thức vô tận và phong phú của nhân loại.
Trên thực thế, cùng với việc tri thức được nhân lên mỗi giây, việc học không thể chỉ dừng lại trong phạm vi lớp học. Học sinh thế hệ mới sẽ cần làm quen với việc học cả trong lớp và ngoài lớp, làm quen với những “người thầy mở rộng” như sách, Internet, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quen với việc học cả khi ở nhà, khi thăm bảo tàng, khi đi xem phim, khi đi du lịch…
Hiện nay chúng ta đã có hàng nghìn trường học online trên thế giới mà học sinh có thể học vào bất cứ lúc nào. Đã có cả những người thầy robot có khả năng “hỏi xoáy, đáp xoay”, và có thể phục vụ hàng triệu học sinh cùng lúc.
Thời đại công nghệ đã gõ cửa, nếu tỷ trọng học với thầy cô là 100% và tự học là 0% thì hầu như học sinh đã bỏ lỡ cơ hội của chính mình. Các em rất cần được thầy cô giúp đỡ xây dựng kế hoạch học tập, xác định mục tiêu, rèn tập kỹ năng tự học để nâng dần khả năng tự học lên 10%, 20% và tiến tới 50% ngay từ khi còn ở bậc phổ thông.
Thầy cô dù thương yêu, quyến luyến các em cũng không thể theo các em cả đời. Thầy cô dù bận rộn đến mấy cũng chỉ có thể dạy các em không quá 200 ngày trong một năm. Việc tìm kiếm giải pháp học hiệu quả không nằm ở chỗ kéo dài thời gian ở trường từ 4 tiếng mỗi ngày lên 6 tiếng, 8 tiếng, hay 12 tiếng, mà nằm ở chỗ:
Chấp nhận thực tế rằng quỹ thời gian không thể tăng lên mà tri thức tăng lên cấp số nhân theo mỗi thế hệ, do vậy càng lúc việc học càng phải chọn lọc, có trọng tâm và mục tiêu.
Thừa nhận chỉ dạy kiến thức là không đủ, mà dạy phương pháp học, phương pháp tư duy quan trọng không kém. Chỉ có kiến thức là không đủ để thay đổi cuộc sống, mà khả năng biến kiến thức thành năng lực tư duy và năng lực hành động mới có vai trò quyết định.
Thừa nhận rằng học sinh cần phải làm chủ việc học của mình, và cần được thầy cô hướng dẫn từng chút một để tự lập với việc học, chứ không thầy cô nào có thể làm thay.
Và quan trọng hơn hết, là chấp nhận một quy luật hiển nhiên rằng thầy cô là điểm khởi đầu. Thành công của người thầy chính là khi không có thầy ở bên, việc học vẫn có thể diễn ra, và học trò vẫn trở thành những người có học, biết học.
Bùi Khánh Nguyên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khong-thay-do-tro-hoc-them-4849506.html