Gia đình tôi ba thế hệ làm giáo viên.
Thời mẹ tôi (thế hệ thứ nhất), học sinh chỉ học nửa ngày trên trường, nửa ngày còn lại phụ giúp gia đình. Bối cảnh thời đó với số lượng môn học ít hơn, học sinh học văn hóa ở trường và học thêm những kỹ năng, kiến thức khác từ thực tế cuộc sống và vẫn giải quyết được các vấn đề của thời đại mình.
Vào thế hệ thứ hai (các chị tôi), học sinh học thêm khá nhiều và kỹ năng tự học có vẻ giảm đi đáng kể. Học sinh có nhiều lý do để học thêm như: hổng kiến thức căn bản, cạnh tranh thứ hạng, điểm số trong các kỳ thi; chạy đua giành suất vào trường tốt… Phụ huynh cũng có lý do để yêu cầu học thêm: biến học nửa ngày thành bán trú cả ngày để tiện đưa đón, giảm trách nhiệm trông coi (do mô hình đại gia đình đã ít dần, không có người lớn để mắt đến các cháu).
Đến thế hệ thứ ba (cháu tôi), nhiều cha mẹ đã rất kén chọn, chỉ học thêm những gì trường học không dạy, ví dụ như khóa học về giao tiếp thanh lịch, viết thư pháp, múa đương đại, thể dục nâng chiều cao… Lớp trẻ này không chỉ cạnh tranh nhau về “học giỏi”, mà còn cạnh tranh rất lớn ở khả năng “làm giỏi”, việc học trở thành một nhu cầu tự thân và trọn đời.
Học thêm, từ xưa tới nay, vẫn là câu chuyện nhức nhối. Các quy định đã được ban hành và sửa đổi nhiều lần, nhưng hầu như chưa có giải pháp hiệu quả. Trong khi rất nhiều phụ huynh “dị ứng” với chuyện học thêm, thì cũng có số đông khác đôn đáo tìm chỗ học thêm cho con. Vậy ai cần học thêm, và học thêm cái gì?
Học thêm để học lại chương trình chính khóa, và áp dụng cho 100% học sinh, là điều bất bình thường. Khi đó nguyên nhân có thể là thời lượng phân bổ cho chương trình không đủ, chương trình quá khó với một học sinh bình thường, hoặc lần dạy thứ nhất không thành công. Dạy thêm trong trường chỉ thực sự cần thiết với những em bị mất bài vì lý do sức khỏe, gia đình, di chuyển…; nhóm học sinh yếu cần phụ đạo; hoặc nhóm có nhu cầu nâng cao hơn so với bình thường. Còn với đại đa số, các em không cần học lại chương trình trên trường, thay vào đó cần được hướng dẫn phương pháp và cách thức tự học.
Dạy thêm có thu phí trong trường là điều nên tránh, vì phát sinh mâu thuẫn lợi ích. Học sinh vừa là học sinh, vừa là khách hàng; giáo viên sẽ đóng hai vai, vừa của nhà giáo, vừa của bên cung cấp dịch vụ; và trường học sử dụng luôn cơ sở vật chất công ích vào việc dạy thêm thu tiền như một tổ chức tư nhân. Chưa kể sự nhập nhằng về vai trò dẫn tới tình trạng lạm dụng quyền lực ép buộc học thêm, phân biệt đối xử, trù dập học trò, thiên vị điểm số…
Như vậy, xóa bỏ dạy thêm đại trà trong trường học chính khóa là cần thiết, chỉ dạy thêm không thu phí với học sinh yếu cần phụ đạo và học sinh giỏi cần bồi dưỡng như một phần trách nhiệm của nhà trường. Hệ thống giáo dục Phần Lan đã làm rất tốt việc dạy thêm không thu phí ngay trong trường, và chỉ dạy cho các học sinh mà trường cho là cần thiết. Điều đó khiến việc dạy thêm, học thêm trở thành hoạt động lành mạnh.
Tuy nhiên, trường học dù cố gắng đến mấy cũng không thể nào dạy hết mọi thứ, càng khó đáp ứng từng mong muốn riêng biệt cho học sinh. Do vậy, học thêm là nhu cầu có thật. Các em có thể muốn học để ôn luyện cho một kỳ thi chuẩn hóa, để biết thêm một môn nghệ thuật, thể thao, một kỹ năng sống, rèn giũa khả năng lãnh đạo, làm chủ ngoại ngữ thứ hai, thứ ba… Tất cả nhu cầu này của xã hội là chính đáng, và không vì những biến tướng của việc dạy thêm – học thêm mà bị bỏ qua. Bởi vậy, một chính sách đúng đắn trong giáo dục không bao giờ nên cấm đoán việc học, tìm kiếm tri thức và cải thiện bản thân.
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm – Bộ giáo dục và Đào tạo mới ban hành – có nhiều điểm mới tiến bộ, tôn trọng quyền học thêm của người học nhưng cũng ngăn chặn các mâu thuẫn lợi ích xảy ra giữa giáo viên và học sinh.
Văn bản này chắc chắn chưa thể giải quyết hết những khúc mắc xung quanh chuyện dạy thêm, học thêm, nhưng đã thể hiện rõ ràng quan điểm chuyên môn về một vấn đề quan trọng được cả xã hội quan tâm, trên các khía cạnh chính:
Học sinh tiểu học không cần thiết học thêm các môn học chính khóa.
Trường học có nghĩa vụ dạy thêm miễn phí cho các đối tượng học sinh nhất định để đảm bảo chất lượng và công bằng cho người học.
Giáo viên có thể dạy thêm ngoài trường nhưng không tham gia vào các mối quan hệ có nguy cơ gây xung đột lợi ích với học sinh. Điều này đảm bảo quyền dạy thêm của giáo viên nhưng không mâu thuẫn với quy tắc chính trực và đạo đức của nghề giáo.
Học sinh có quyền học thêm bất cứ thứ gì trường học không dạy để hoàn thiện bản thân và phục vụ cho mục tiêu cá nhân.
Một xã hội học tập thực sự không phải là kéo dài việc học ở trường, mà là ở việc nuôi dưỡng ý thức học tập mọi lúc, mọi nơi. Truyền thống hiếu học của Việt Nam là một di sản quý báu của quá khứ, nếu được phát huy đúng trong mỗi gia đình, sẽ tạo thành động lực cho sự biến đổi mạnh mẽ chất lượng con người, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu, phát triển kinh tế cần dựa vào tri thức và tri thức mới.
Bùi Khánh Nguyên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/day-them-khong-thu-tien-4835790.html