An, cháu họ gọi tôi bằng cậu bị phát hiện bại não và khuyết tật phát triển chỉ một thời gian ngắn sau khi ra khỏi bụng mẹ.
Do sống ở một vùng sâu, vùng xa thuộc miền Đông Nam Bộ nên khi mang thai, mẹ An không có điều kiện đi thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. Ba của An từng đi làm thuê một thời gian dài ở khu vực bị ảnh hưởng chất độc da cam, dị tật của An nhiều khả năng là hậu quả của việc phơi nhiễm loại hóa chất này.
An được mẹ tổ chức sinh nhật tuổi 15 vào giữa tháng 5 năm nay. Chỉ cách một tuần trước đó, ngày 7/5/2024, Tòa án phúc thẩm Paris mở phiên tranh tụng vụ kiện của công dân Pháp gốc Việt, bà Trần Tố Nga, chống lại 14 tập đoàn hóa chất đa quốc gia. Họ bị kiện bởi đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc dioxin để sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Khi đến chúc mừng sinh nhật An, tôi nghĩ ngay đến vụ kiện lịch sử trên. Đó là vụ kiện của một cá nhân, nhưng một phán quyết có lợi dành cho bà Nga sẽ được xem là chiến thắng dành cho công lý và hòa bình. Đặc biệt chiến thắng đó sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn lao cho cộng đồng người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam.
Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, có 4,8 triệu người Việt bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm những người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh và người dân sinh sống trong những vùng bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, hơn 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư.
Một nỗi đau đã kéo dài hơn 60 năm, qua bốn thế hệ và sẽ rất khó quên bởi chứng nhân là những đứa trẻ khuyết tật vẫn còn đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại nhiều gia đình và ở các trung tâm xã hội, cơ sở từ thiện trên cả nước.
Thời sinh viên, tôi từng cùng một nhóm công tác xã hội của trường đại học ghé thăm ngôi làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM. Thời điểm đó, có gần 60 trẻ khuyết tật là nạn nhân của chất độc da cam được chăm sóc y tế tại ngôi làng nhân ái này. Có quá nhiều cảm xúc dấy lên trong lòng mỗi thành viên của nhóm khi tận mắt nhìn thấy cơ thể dị dạng của các em. Đau lòng, xót xa và nhiều thương cảm. Ánh mắt ngây dại, nụ cười méo mó trên nét mặt không bình thường của những đứa trẻ luôn ám ảnh tâm trí chúng tôi khi trở về.
Chính ngôi làng nhân ái đầu tiên đó của Việt Nam là nơi cưu mang cho cặp song sinh dính liền Việt – Đức. Hai cậu bé cũng là nạn nhân của chất độc da cam và là nhân vật gắn liền với ca phẫu thuật tách rời nổi tiếng thế giới năm 1988, một thành tựu y học được thực hiện bởi chính các bác sĩ người Việt.
Trở lại với vụ kiện của bà Trần Tố Nga, như tất cả những người dành sự quan tâm lớn đến sự kiện quan trọng này, tôi hồi hộp chờ đợi đến ngày 22/8/2024, khi phán quyết của thẩm phán Tòa phúc thẩm Paris sẽ được đưa ra.
Không dễ dàng cho bản thân bà Tố Nga và các luật sư tự nguyện bảo vệ bà trong cuộc chiến đương đầu với những tập đoàn hóa chất có thế lực tầm cỡ quốc tế. Nhưng họ vẫn đang chiến đấu hết mình, làm tất cả những gì có thể để hướng về một chiến thắng lịch sử.
Tôi tin những người yêu chuộng hòa bình, những nạn nhân của chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia tiến bộ khác trên thế giới đều mong đợi một phán quyết thắng lợi dành cho người phụ nữ đã dũng cảm đưa vụ kiện ra một tòa án lớn. Sự can đảm, lòng quyết tâm, tính bền bỉ và kiên cường trong cuộc chiến đấu của bà Tố Nga cùng các luật sư đã mang lại cho những người ủng hộ họ một niềm tin.
Đọc tự truyện Đường trần – ngọn lửa không bao giờ tắt của bà Tố Nga, độc giả sẽ hiểu vì sao mà bà, một cựu phóng viên chiến trường và cũng chính là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong những năm chiến tranh, đã và đang dành một phần quan trọng của cuộc đời mình để đấu tranh cho quyền lợi của hàng triệu nạn nhân như bà. Bà đã xác định rõ, là thế hệ thứ nhất gánh chịu hậu quả của chiến tranh, nếu bà không dấn mình vào cuộc đấu tranh này thì còn ai nữa sẽ làm điều đó để tìm lại công bằng cho những nạn nhân?
Công lý có thể bị trì hoãn nhưng không thể nào bị phủ nhận. Chiến thắng được mong đợi cho lẽ phải sẽ làm dịu đi nỗi đau tinh thần và thể xác không chỉ riêng bà Tố Nga mà còn cho tất cả nạn nhân chiến tranh khác. Người ta mong đợi các tập đoàn hóa chất bị kiện sẽ hành động có lương tâm và trách nhiệm hơn đối với các vấn đề thảm họa mà họ đã góp phần tạo ra, liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thủ đô Paris của nước Pháp vừa trải qua những ngày tháng sôi động của Thế vận hội Olymplic 2024. Nước mắt, nụ cười cùng nhiều cung bậc cảm xúc của khán giả và vận động viên đã hòa lẫn vào nhau, đón mừng những kỳ tích thể thao bùng nổ từ khả năng kỳ diệu và sức mạnh phi thường của con người. Olympic là biểu tượng truyền thống cho sự đoàn kết và tình yêu hòa bình của nhân loại. Vì thế, giờ đây người ta tiếp tục mong đợi tinh thần của ngọn lửa luôn bừng cháy trong sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh ấy sẽ tiếp tục lan tỏa ở Paris trong những ngày tới, mang lại hy vọng và niềm tin về một phán quyết lịch sử dành cho công lý.
Hà Đức Trí
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cong-ly-khong-chi-cho-tran-to-nga-4783183.html