“Cháu nó còn bé” là câu thần chú kỳ diệu mà nhiều phụ huynh đưa ra để miễn trừ trách nhiệm cho con em mình, hoặc cho chính bản thân, trong những trường hợp cần suy xét trách nhiệm.
Vào các dịp cuối tuần, sinh nhật hoặc lễ tết, chúng tôi thường được mời tới nhà bạn bè ăn cơm. Khung cảnh phổ biến ở nhiều gia đình là bà mẹ đầu tắt mặt tối trong bếp, ông bố dọn dẹp nhà cửa hoặc chuẩn bị bàn ăn, đồ uống. Tụi nhóc ở trong phòng riêng xem tivi hoặc lướt máy tính, điện thoại.
Đến bữa, sau khi đã bày biện đâu ra đấy, các bà mẹ thường phải “hò như hò đò” mới gọi được con cái vào bàn. Ăn xong, các cháu sẽ để bát đĩa ngay tại chỗ, đứng dậy và đi lướt mạng tiếp. Có những cháu tự động ngồi ăn khi bố mẹ và khách khứa chưa ai bắt đầu, hết bữa cũng không cần nhìn ai, cứ thế mất hút. Tất cả công việc trước và sau bữa ăn là của ai, các cháu không biết.
Cha ông ta xưa dạy con cái “học ăn học nói học gói học mở” từ khi còn rất nhỏ, và một nghĩa vụ cơ bản của trẻ em là tôn trọng người lớn, để ý xung quanh, quan tâm mọi người.
Ở bất kỳ thời đại nào, những nghĩa vụ, bổn phận ấy vẫn là bất di bất dịch. Nó tạo nên nền tảng văn hóa, lối ứng xử, và lâu dài là nhân cách của trẻ khi trưởng thành. Nó giúp trẻ hòa nhập và tồn tại trong một cộng đồng, và có thể phát triển để xây dựng cộng đồng ấy.
Nhưng cuộc sống thay đổi quá nhanh. Sự tôn vinh thái quá cái tôi, một xã hội cuồng tiêu thụ, và mạnh mẽ nhất là cuộc “xâm lược” của mạng xã hội, tất cả như những con sóng thần thổi bay nhiều sinh hoạt truyền thống trong gia đình, mà dễ thấy nhất là sự phân công công việc cho trẻ nhỏ.
Không ít phụ huynh cho rằng, trẻ con biết gì về nghĩa vụ và trách nhiệm, nếu cần sẽ dạy chúng dần dần. Nhưng sự “dần dần” đó bắt đầu từ khi nào, ra sao, có đi kèm “chế tài” hay không, thì ít người xác định rõ. Cho nên khi con còn nhỏ, nhiều gia đình sẵn sàng miễn trừ cho con vô số việc hàng ngày như rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người thân. Dần dà, các cháu cũng không cảm thấy có trách nhiệm gì khi gây ồn ào nơi công cộng, xả rác ra môi trường, dửng dưng, thậm chí đùa cợt ác ý và bắt nạt người khác – cả trên mạng lẫn ngoài đời… Nếu con cái để xảy ra sự cố, nhiều cha mẹ sẽ giải quyết hộ, lấy lý do “cháu nó còn bé” hoặc “cháu đã biết gì đâu”. Dần dà, trẻ không phải chịu trách nhiệm cả trong những việc lớn hơn, liên quan đến chính tương lai của chúng như lựa chọn cách sống, chọn ngành nghề, chọn hướng phát triển bản thân. Cha mẹ thì lo lắng nhỡ con chọn sai thì sao, thôi mình chọn hộ cho rồi.
Gánh hộ trách nhiệm cho con, chính là không hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ. Hậu quả ai cũng thấy. Nhẹ nhàng là thiếu trách nhiệm với các việc chung của gia đình, đùn đẩy và đổ lỗi khi gây ra sự cố. Xa hơn khi trưởng thành là dễ dàng nhảy việc khi có chút áp lực, tiêu dùng quá đà mà ít nghĩ đến tích lũy, ngại chăm sóc người già người ốm…
Quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân như hai mặt của một tờ giấy, không thể nào tách rời. Quyền và nghĩa vụ của trẻ em được quy định rõ trong luật pháp của nhiều quốc gia, và được phổ biến bởi nhiều tổ chức quốc tế.
Cách đây đúng một thế kỷ, Save the Children – một trong những tổ chức lớn nhất thế giới hoạt động vì trẻ em, đã đưa ra Tuyên ngôn Geneva 1924 về Quyền trẻ em, tạo tiền đề cho Công ước Liên hợp quốc vài thập kỷ sau đó. Tuyên ngôn Geneva nêu rõ: “Trẻ em phải được nuôi dạy với tinh thần phát huy những năng lực tốt nhất nhằm cống hiến cho nhân loại”. Như thế, quyền và nghĩa vụ của trẻ em được xác định rất rõ: quyền được phát huy năng lực, và nghĩa vụ cống hiến, xây dựng, vun đắp thế giới này. Để thực hiện được các quyền và nghĩa vụ đó, không thể có chỗ cho sự ích kỷ, lười biếng, thờ ơ. Các cháu cần được giáo dục từ nhỏ về tinh thần học hỏi, lao động không ngừng, và sự quan tâm tới người thân, xóm giềng, cộng đồng và quê hương.
Tại Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 ghi rõ bổn phận của trẻ em ở các điều 37, 38, 39, 40, 41, trong đó có bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội, đất nước, và với bản thân. Nhưng vì nhiều lý do, giáo dục nhà trường cũng như gia đình dường như nói nhiều đến “quyền trẻ em” hơn là bổn phận. Khác với nhiều thế hệ trước, thế hệ Gen Z (sinh từ 1995-2009) và Gen Alpha (sinh từ 2010 về sau) đang lớn lên với ý thức rất mạnh về quyền của bản thân, những điều bản thân được đòi hỏi – đều là chính đáng, phù hợp; nhưng ít đề cập tới phần trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội.
Mỗi gia đình, nên chăng cần bắt đầu giáo dục con từ sớm về trách nhiệm. Không hoàn thành trách nhiệm thì không được hưởng quyền lợi. Quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân phải đặt trong sự cân bằng với quyền và lợi ích của những người xung quanh. Dù ở độ tuổi nào, cha mẹ đều có thể trao đổi với con về việc “mình làm mình chịu”, như chọn món đồ chơi này hay món khác, ăn thêm một bát cơm vào bữa trưa hay là sẽ bị đói khi chưa kịp tới bữa tối…
Nếu không được tập luyện từ nhỏ về những bổn phận con con, thì sao có thể đương đầu với những trách nhiệm lớn lao khi trưởng thành.
“Cháu nó còn bé” hóa ra không phải là câu thần chú bảo vệ, mà có thể là vòng kim cô cản trở cơ hội trưởng thành tự nhiên của trẻ.
Trịnh Hằng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chau-no-con-be-4776964.html