Những đứa trẻ thế hệ 7X như tôi không chỉ lớn lên bằng cơm gạo, mà còn bằng xuyên tâm liên – “thần dược” trứ danh thời bao cấp.
Thôi thì bách bệnh: ho, cảm sốt, đau bụng, đau đầu, mưng mủ nhiễm trùng… chúng tôi đều được bố mẹ dúi cho vài viên xuyên tâm liên. Một phần vì đây quả thực là dược liệu tốt, có nhiều tác dụng; phần vì ngoài xuyên tâm liên, chúng ta cũng chẳng có thuốc gì khác – một thời thiếu thốn đủ bề.
So với thời bao cấp, ngành dược đã tiến một bước dài. Việt Nam hiện có 237 nhà máy đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices – Tiêu chuẩn thực hành Sản xuất tốt), trong đó có một số đạt GMP cao hơn), bảo đảm đáp ứng được 70% nhu cầu về số lượng và 46% về giá trị thuốc.
Ngành dược cũng đổi mới khá sớm so với ngành y. Khi các bệnh viện tư nhân mới manh nha xuất hiện, các bệnh viện công lập còn loay hoay trong cơ chế bao cấp, thì ngành dược đã chuyển mình theo cơ chế thị trường với việc cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động cải thiện rõ rệt. Đặc biệt với chính sách quản lý chất lượng toàn diện (TQM = Total Quality Management) từ 1992, việc áp dụng các nguyên tắc thực hành tốt GPs đã thổi làn gió mới lên cả ngành, từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối.
Vì vậy, khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đề cập đến việc “phát triển công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn”, tôi nghĩ ta có quyền mơ ước.
Nhưng phải thẳng thắn nói rằng, tôi chưa yên tâm, tự tin vào những đề xuất đưa ra trong Dự thảo để biến ước mơ này thành hiện thực, dù tôi biết Ban soạn thảo đã rất cố gắng và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đã đi sâu vào tận các vấn đề. Những mục sửa đổi được liệt kê ra khá nhiều nhưng hầu như chỉ sửa phần ngọn mà gốc rễ vấn đề vẫn còn đó.
Tôi muốn đi sâu vào Điều 8 Dự thảo, quy định chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước. Các giải pháp được đưa ra khá cụ thể, trong đó có một số điều khoản về ưu tiên, ưu đãi trợ cấp vốn… nhưng tôi thấy vẫn khó đảm bảo khả thi và hiệu quả, nếu không muốn nói là mầm mống của tiêu cực. Bởi căn cứ vào đâu để trợ cấp công ty này hoặc công ty khác?
Theo tôi, không nên ưu tiên trợ vốn, vì sẽ khó có tiêu chí rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ xin – cho tiêu cực. Trên thực tế, cũng không thể ưu tiên trong thủ tục hành chính hoặc ưu đãi trong mua thuốc vì nguy cơ phân biệt đối xử, có khả năng tạo tiền lệ phá vỡ các nguyên tắc về hành chính cũng như các quy định mua sắm.
Liệt kê các chính sách ưu tiên cho phát triển công nghiệp dược là cần, nhưng chưa đủ. Trước hết phải nhìn nhận các rào cản trên thực tế để giải quyết triệt để.
Vấn đề đầu tiên là tình trạng cấp số đăng ký (SĐK) thuốc của Bộ Y tế hiện nay chỉ căn cứ trên hồ sơ, phí đăng ký thấp, không định hướng, giới hạn, dẫn đến chậm cập nhật thuốc mới, phát sinh “xin – cho” tiêu cực, khó đấu thầu, chỉ cạnh tranh giá rẻ. Singapore chỉ có 10.000 SĐK cho 1.200 hoạt chất, Nhật Bản có 10.000 SĐK/ 1.600 hoạt chất, thì Việt Nam có tới hơn 22.000 SĐK/ 800 hoạt chất.
Ở điểm này, theo tôi phải định hướng, phân loại ưu tiên hoặc hạn chế SĐK bằng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện thực tế thông qua các tổ chức trung gian.
Nghịch lý thứ hai là Nhà nước ưu tiên sản xuất trong nước nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược tên tuổi trong nước đã bị vốn ngoại “thôn tính”. Việc mở room cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược (Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Nghị định 155/2020/NĐ-CP để thi hành Luật Chứng khoán) tạo ra tác động ngược với sự phát triển của công nghiệp dược Việt Nam. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, Taisho Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) đã vượt qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về tỷ lệ sở hữu sau khi mua hơn 20,6 triệu cổ phiếu của Dược Hậu Giang (DHG), để nắm hơn 51% cổ phần vào năm 2019. Đến nay, DHG đã nới room ngoại lên 100%, tạo điều kiện để nhà nước thoái vốn và khi đó Taisho có cơ hội chi phối doanh nghiệp dược lớn nhất sàn chứng khoán.
Tập đoàn SK, Hàn Quốc hiện tại cũng đã sở hữu 65% vốn cổ phần của Dược phẩm Imexpharm (IMP), xem như đã hoàn thành kế hoạch “nuốt” doanh nghiệp nội địa này từ năm 2020.
Tôi dẫn ra vài trường hợp để thấy doanh nghiệp dược nước ngoài sẽ có thể “chủ động điều tiết” thị trường dược phẩm Việt Nam theo các định hướng kinh doanh tài chính, với mục tiêu cao nhất là lợi nhuận. Những vấn đề như đảm bảo an ninh y tế, an ninh dược phẩm, cân đối cơ cấu bệnh tật và khả năng đáp ứng nhu cầu thuốc cho xã hội, an toàn dược phẩm (drug safety)… chỉ là mục tiêu thứ cấp với họ.
Điều gì dẫn đến sự lép vế của doanh nghiệp dược trong nước.
Nếu muốn doanh nghiệp trong nước phát triển, không thể không tính đến đầu ra. Nhưng đầu ra của chúng ta đang chủ yếu là thuốc giá rẻ. Bệnh viện đấu thầu theo hướng thuốc giá rẻ nên những doanh nghiệp đặt tiêu chí chất lượng thì chắc chắn khó có thị trường. Vì mức giá họ đưa ra chỉ có thể ở mức hợp lý, không thể trong nhóm rẻ nhất được. Như vậy họ sẽ dần đánh mất thị trường, không có nguồn thu nhiều, phải chuyển hướng để tăng vốn. Lúc đó, các nguồn lực bên ngoài sẽ chi phối. Thuốc giá rẻ đang bào mòn công nghiệp dược.
Tựu trung lại, ước mơ có ngành công nghiệp dược mạnh là một ước mơ táo bạo. Nhưng để làm được điều đó, chính sách Nhà nước phải mạch lạc, tôn trọng quy luật thị trường về giá thuốc, tạo thị trường đầu ra ổn định để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, có tích lũy để mở rộng quy mô.
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều bất cập, mà nếu không được rà soát và giải quyết triệt để, chúng ta sẽ phải sửa luật nhiều lần, thậm chí trả giá cho các sai lầm có thể xảy ra.
Phạm Khánh Phong Lan
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bi-thon-tinh-tren-san-nha-4810458.html