Tôi tin rằng mỗi tổ chức, mỗi quốc gia muốn tiến về phía trước cần phải có những giấc mơ lớn, có câu chuyện kể về ngôi sao Bắc Đẩu hay ngọn hải đăng của riêng mình để dẫn đường.
Nhưng muốn đi tới đó, tất cả cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ, nhiều khi là những bước chân chậm nhưng chắc chắn.
Do điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt và sản xuất lâu đời trong quá khứ, người Việt có khả năng thích nghi cao, nhưng phần đông cũng có thói quen qua loa, thiếu tỉ mỉ và kỷ luật khi không có áp lực. Không khó khăn để kiểm chứng điều này ở khắp nơi trong đời sống hằng ngày, từ cách lát một viên đá ở vỉa hè, ý thức tham gia giao thông, tới việc tuân thủ các quy trình tưởng như không để làm gì trong nhà máy, hay sự rề rà trong xử lý công việc ở các cơ quan, công sở.
Trong nhiều năm làm lãnh đạo các đơn vị ở cơ quan, tôi thường được đặt câu hỏi về việc liệu có cần quan tâm tới những chi tiết, những câu chuyện “bếp núc” quá không. Nhưng những ai từng lắp lego hoặc xây nhà đều hiểu hậu quả khó nhận biết và khó khắc phục của việc đặt một viên gạch sai từ đầu. Cũng như vậy, chúng ta thường không đánh giá đúng hậu quả của sự xuề xòa trong mỗi công việc nhỏ tới lợi ích chung của toàn xã hội.
Việc tranh thủ vài giây trước khi chuyển đèn để lao qua ngã tư, theo biện minh của nhiều lái xe là “đường không có ai”, có lẽ chỉ là việc nhỏ đối với nhiều người, nhưng phí tổn của nó là niềm tin của cả xã hội khi tham gia giao thông, rằng tôi sẽ được an toàn đi ngang qua ngã tư khi đèn xanh, thay vì tâm lý căng thẳng đề phòng bất chợt có một chiếc xe vượt đèn đỏ. Tác phong của người bảo vệ, lái xe trong cơ quan có lẽ chỉ là việc nhỏ không mấy người bận tâm cho đến khi nhận ra phí tổn của nó rất có thể là niềm tin vào sự chuyên nghiệp và hiệu quả của một tổ chức.
Việc vận hành an toàn những siêu dự án như nhà máy điện hạt nhân, hệ thống đường sắt tốc độ cao hay những cung điện tráng lệ nhất thế giới thường được nhắc đến như những điều cao siêu, kỳ thực ở nền móng của nó chỉ là thực hiện một cách đúng đắn hàng nghìn công việc nhỏ. Lịch sử cho thấy, nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra có nguyên nhân là việc thực hiện sai liên tiếp các quy trình nhỏ. Trước đây, khi thảo luận về việc phát triển dự án nhà máy điện hạt nhân, đã có ý kiến quan ngại về ý thức an toàn lao động của chúng ta chưa đáp ứng được văn hóa làm hàng nghìn công việc nhỏ một cách kỷ luật nhất, từ trong nhận thức.
Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất thế giới hiện nay là về Elon Musk, với những giấc mơ và khả năng biến thành hiện thực của ông về tương lai nhân loại, từ cuộc sống đa hành tinh tới liên kết thần kinh người – máy. Nhưng những ai đọc cuốn sách nổi tiếng viết về ông của Isaac Walterson đều biết, bên cạnh khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc, Elon Musk còn có sự tập trung đến mức ám ảnh vào các chi tiết và khả năng giải quyết vấn đề ở cấp kỹ thuật trong từng sản phẩm mà ông tạo ra. Và chính những chi tiết đó khiến cho Elon Musk trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới, cũng giống như cách chiếc iPhone khác biệt với phần còn lại của thế giới điện thoại, dù có hình dáng và tính năng cơ bản giống nhau. Những nhà lãnh đạo thành công nhất Việt Nam mà tôi biết, dù thường xuất hiện trên truyền thông với những hoài bão và ước mơ lớn lao, đều là những người tập trung cao độ vào từng chi tiết trong tổ chức của mình.
Vì vậy, để có thể biến những giấc mơ lớn thành hiện thực, chúng ta cần phải bắt đầu từ việc xác định và học cách làm những việc nhỏ một cách đúng đắn từ đầu.
Vì mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, một cơ thể khỏe mạnh cần mỗi bộ phận khỏe mạnh. Không phải ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người hùng, nhưng chắc chắn mỗi người đều có thể đóng góp cho xã hội bằng việc tự đặt mình trong khuôn khổ chung, chỉn chu trong từng việc nhỏ và trở thành phiên bản tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Bằng việc thiết lập những thói quen nhỏ, hay như James Clear gọi là “thói quen nguyên tử” trong cuốn sách cùng tên của mình, như đến trước hai phút trong mỗi cuộc hẹn, đọc chỉ vài trang sách, đi bộ chỉ mười lăm phút, tâm sự với người bạn đời năm phút trước khi đi ngủ mỗi ngày, sau một thời gian chúng ta sẽ ngạc nhiên với những thay đổi ở chính mình và môi trường xung quanh. Tác động của một thói quen đối với mỗi cá nhân, hay của mỗi cá nhân đối với toàn xã hội có thể quá nhỏ để có thể nhìn thấy trong thời gian ngắn, nhưng chắc chắn nếu mỗi viên gạch đều bền đẹp và được đặt đúng vị trí của nó ngay từ đầu, mọi công trình xây dựng trên nó sẽ vững vàng và rực rỡ hơn.
Ở cấp độ tổ chức, bên cạnh tầm nhìn và khả năng đề xuất, thực thi những nhiệm vụ lớn có tác động xoay chuyển tình thế, người lãnh đạo cần khuyến khích hình thành văn hóa làm tốt từng việc dù nhỏ. Mỗi khi tham gia giao thông, tôi thường có suy nghĩ nếu những người phụ trách trực tiếp không coi đây là việc nhỏ, chỉ cần làm việc thêm vài giờ để tối ưu một nhịp đèn, hay đặt thêm một chiếc đèn cảnh báo tại những điểm bắt đầu dải phân cách cứng, thì có lẽ sẽ có hàng vạn người được hưởng lợi mỗi ngày và tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc.
Tôi rất thích ý tưởng về việc tham vấn và nhận biểu quyết từ cộng đồng về các vấn đề nhỏ cần xử lý trong đời sống xã hội, việc có thể dễ dàng thực hiện với chi phí rẻ bằng các công cụ công nghệ hiện nay. Khi một đề xuất của bất kỳ công dân nào nhận được một lượng ủng hộ nhất định từ cộng đồng, chính quyền sẽ có trách nhiệm xem xét và phản hồi nghiêm túc về đề xuất đó trong một thời hạn nhất định. Đây là cách làm hiệu quả để chính quyền có thể nhận diện và xử lý dần mớ tồn kho những việc nhỏ có thể đã bị bỏ quên, để mang lại cuộc sống an toàn, tiện lợi hơn cho người dân của mình.
Tôi thường nghĩ tới hình ảnh của một chiếc bánh đà, có thể sẽ cần rất nhiều nỗ lực để khiến nó bắt đầu quay do sức ì lớn. Nhưng khi đã có đà, động năng của chiếc bánh sẽ tiếp thêm sự tự tin và năng lượng để cả cỗ máy tiến nhanh hơn về phía trước một cách tự nhiên. Và khi đó người lái xe chỉ cần ngước mắt lên, hướng tới ngôi sao Bắc Đẩu của mình.
Đỗ Thành Long
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bat-dau-tu-viec-nho-4825260.html